Lãi suất huy động 6 tháng giảm còn 3%/năm, người gửi tiền hưởng lợi nhuận âm?
Lãi suất huy động 6 tháng giảm còn 3%/năm, người gửi tiền hưởng lợi nhuận âm?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 15/07/2020 09:52 AM (GMT+7)
Cuộc chạy đua giảm lãi suất huy động của các ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm sâu, có nơi còn 3%/năm. Với mức lãi suất này, nhiều chuyên gia cho rằng người gửi tiền có thể sẽ hưởng lợi ít hơn, tương đương với mức mất giá của tiền đồng, thậm chí còn "âm".
Theo đó, Techcombank vừa đưa lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy với kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,5-4% xuống 3,1-3,65% (tùy độ tuổi và số tiền, không tính khách hàng ưu tiên). Những người dưới 50 tuổi gửi tiền dưới 1 tỷ tại ngân hàng này chỉ được trả lãi 3,1% một tháng. Còn nếu nhận lãi trước, khách hàng chỉ được trả 3% - đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay với cùng kỳ hạn một tháng.
Bên cạnh đó, lãi suất các kỳ hạn khác tại Techcombank cũng giảm 0,2-0,3% so với đầu tháng 7. Ở các kỳ hạn trung và dài, Techcombank đang huy động ở mức rất thấp dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, tiết kiệm thường trả lãi định kỳ đang được áp dụng mức lãi suất chỉ từ 4,6 - 4,8%/năm. Tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ dành cho khách hàng ưu tiên cao nhất cũng chỉ ở mức 5,4%/năm.
Tương tự, một số ngân hàng khác mới đây cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Riêng với khoản tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng, Kienlongbank hạ từ mức trên 4% về 3,75%, PGBank chỉ trả 3,95% thay vì 4,15% như trước, MB giảm từ 4% xuống 3,8% còn Eximbank trả 4%.
Với khối ngân hàng thương mại quốc doanh là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank chiếm tới 50% tổng tiền gửi trên hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, hiện đang huy động lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng là 3,70%/năm; kỳ hạn 3 và 5 tháng là 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 4,4%/năm.
Đối với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng- 12 tháng hiện đang được các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 5,5 - 6,5%/năm tuỳ thuộc số tiền. Kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ trên dưới 7%/năm. So với biểu lãi suất áp dụng trước ngày 1/7, lãi suất hiện tại của các nhà băng này thấp hơn khoảng 0,4 - 0,5 điểm phần trăm, có nơi thậm chí giảm 1%/năm.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ trước đây áp dụng lãi suất cao, lên đến trên 9%/năm cho các kỳ hạn gửi dài, nay chỉ còn áp dụng mức cao nhất khoảng 7,2%/năm cho các khoản tiền gửi vài chục đến vài trăm tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Cái giá của thanh khoản
Là một khách hàng quen thuộc tại ngân hàng thương mại cổ phần có mức lãi suất thấp nhất hệ thống, chị Phạm Thị D. (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, việc lãi suất tiết kiệm giảm đang phần nào ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của chị.
Theo chia sẻ của chị D. thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng chị sau khi trừ các loại chi phí mỗi tháng chỉ tích góp được vài ba triệu đồng. Vì vậy, khoản tiền tiết kiệm của gia đình không có nhiều. Nếu như vài tháng trước, mỗi tháng gia đình chị đều nhận được khoảng gần 1 triệu đồng tiền lãi của khoản tiết kiệm này thì đến nay cùng khoản tiền với cùng kỳ hạn, số tiền nhận về cũng giảm đáng kể so với kỳ vọng của chị.
"Vài trăm nghìn tiền lãi tiết kiệm mỗi tháng cũng đủ để trả tiền điện, nước hàng tháng. Với gia đình thu nhập trung bình như tôi thì dù không quá nhiều nhưng cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, với mức lãi suất xuống thấp sát với ngưỡng 3% như hiện nay, thì đồng tiền của chúng tôi gửi ngân hàng đang không có lợi nhuận nếu so với sự mất giá của tiền đồng nếu tính cả yếu tố lạm phát hàng năm. Chúng tôi cũng phải cân nhắc vì tài khoản tiết kiệm này sang tuần cũng đáo hạn", chị D cho hay.
Cũng theo chị D., khoản tiền gửi của chị thông thường kỳ hạn gửi chỉ 3 tháng bởi chị lo ngại gia đình có công việc đột xuất cần tiền nếu như gửi kỳ hạn dài gia đình sẽ khó lòng xoay xở kịp. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm mạnh, thay vì gửi kênh tiết kiệm thường, gia đình chị sẽ chuyển sang gửi online để hưởng mức lãi suất cao hơn (thông thường 0,2 -0,3% so với tiết kiệm tại quầy) hoặc chuyển sang ngân hàng quốc doanh để gửi.
Hiện mức lãi suất huy động tại ngân hàng quốc doanh dù chưa đảm bảo mức độ mất giá của đồng tiền do lạm phát nhưng cũng không quá thấp, và cao hơn ngân hàng chị đang gửi.
Người gửi tiết kiệm hưởng lợi nhuận âm?
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết lãi suất huy động về sát ngưỡng 3% đối với kỳ hạn ngắn tại một số ngân hàng hiện nay sẽ không đảm bảo được lãi suất thực dương cho người gửi tiền bởi theo tính toán mức lãi suất sẽ khó có thể nhích lên trong năm nay, thậm chí còn giảm nhẹ tùy thuộc vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
"Tuy nhiên, theo dự báo lạm phát năm 2020 này cũng sẽ vào khoảng 3,8%. Như vậy, người dân nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sẽ thiệt thòi về mặt kinh tế (lãi thu về cho khoản tiền gửi). Tuy nhiên, đây cũng chính là bài toán mà những người dân gửi tiết kiệm ngắn hạn phải đánh đổi giữa lợi nhuận và thanh khoản. Lợi nhuận thấp nhưng thanh khoản cao", ông Thành phân tích.
Còn theo PGS -TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), mức lãi suất tiết kiệm này là mức lãi suất thấp kỷ lục tại các ngân hàng thương mại. Với mức lãi suất huy động như hiện nay, người dân có thể sẽ hưởng lợi ít hơn, tương đương với mức mất giá của tiền đồng, thậm chí còn "âm".
"Vì vậy, để bớt thiệt thòi người dân có thể chuyển sang hình thức tiết kiệm dài hơi hơn. Hiện tại, không ít ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tương đối cao, thậm chí còn cao hơn so với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 9 – 12 tháng", bà Hoàng Anh cho hay.
Ngoài ra, kênh tiền gửi online hiện nay cũng đang được các ngân hàng đẩy mạnh vì vậy, mức lãi suất tiết kiệm online thông thường sẽ cao hơn mức lãi suất tiền gửi thông thường tại quầy từ 0,2-0,3 điểm %. Do đó, thay vì gửi tiết kiệm thông thường có thể chuyển sang gửi tiết kiệm online để gia tăng lợi nhuận.
Nêu quan điểm về động thái giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn vừa qua của một số ngân hàng, vị chuyên gia này nhìn nhận, ngân hàng sẽ có rất nhiều lợi ích từ động thái này.
Thứ nhất, khuyến khích người dân sử dụng kênh giao dịch điện tử của ngân hàng, từ đó góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Thứ hai, khi lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống thấp chưa từng có, cũng là động lực cho người dân chuyển sang kỳ hạn dài hơn để gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ tái cơ cấu được nguồn vốn của mình theo hướng tốt hơn, tăng vốn trung và dài hạn, giảm nguồn vốn ngắn hạn. Điều này là xu hướng cần thiết và tất yếu với một ngân hàng.
Thứ ba, với mặt bằng lãi suất thấp, các ngân hàng sẽ có điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tất nhiên, mọi chính sách luôn tồn tại 2 mặt. Giảm mạnh lãi suất huy động có thể khiến cho dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán hay trái phiếu chính phủ, bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo việc "tháo chạy" khỏi ngân hàng là khó xảy ra.
Đại diện một NHTM cổ phần từng thừa nhận, giảm lãi suất huy động là việc mà các ngân hàng rất muốn. Thế nhưng, giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng.
"Hạ sốc lãi suất sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế. Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản. Lãi suất giảm nhưng các ngân hàng chưa lo ngại về việc dòng vốn chạy khỏi ngân hàng mà có chăng sẽ có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, từ ngân hàng lãi suất thấp sang ngân hàng có lãi suất cao hơn mà thôi", vị này cho hay.
Theo báo cáo của NHNN, đến hết ngày 19/6, huy động vốn tăng khoảng 4,35%. Trong khi đó, tín dụng đến hết ngày 29/6 theo báo cáo của NHNN tăng khoảng 3,36%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng cho vay đang cao hơn tăng trưởng tín dụng khoảng gần 1%. Đây là cơ sở để các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.