Lâm Đồng: Dưới tán cà phê nuôi thứ gà lạ bay như chim, không phải dọn cỏ bỏ phân, ông nông dân giàu hẳn lên
Lâm Đồng: Dưới tán cà phê nuôi thứ gà lạ bay như chim, không phải dọn cỏ bỏ phân, ông nông dân giàu hẳn lên
Thứ sáu, ngày 18/12/2020 19:02 PM (GMT+7)
Gà sao, một loại vật nuôi mới đang được nuôi thử nghiệm dưới tán cà phê. Đó là trang trại của anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Những con gà sao đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình người nông dân vùng sâu.
Trang trại gà sao của anh Nguyễn Văn Hùng rộng 2,3 ha, trồng đầy cà phê hàng chục năm tuổi. Trước đây anh Hùng chuyên canh cà phê song thấy hiệu quả chưa cao, anh học hỏi, tìm hiểu và nhập gà sao giống về nuôi. Bên cạnh gà sao, anh còn thả hàng trăm gà lai, gà ta nuôi chung, tạo thành một quần thể gà, trong đó, những chú gà sao với kích thước to, bộ lông chấm đen - trắng vẫn nổi bật nhất.
Trang trại nuôi gà sao của anh Hùng khá đơn giản với một dãy nhà lớn là chuồng, có cửa ra vào để ngỏ cho gà vào ban đêm.
Anh Hùng dẫn ống nước ra vườn làm hệ thống cho uống nước tự động, những chú gà có thể uống nước thoải mái, sạch sẽ và tiết kiệm, không bị tình trạng nước tù gây bệnh đường ruột cho gà.
Gà sao gọi là gà nhưng thực chất thuộc giống chim trĩ, với thân hình tương tự chim trĩ và tập tính tương tự.
Gà sao bay giỏi, tiếng kêu như chim và sống theo đàn. Gà sao gần như không bệnh tật, thức ăn cũng khác với gà bình thường vì chúng ăn bắp, cám gạo, rau xanh, cỏ là chủ yếu.
Chăm sóc gà sao theo đúng tập tính sinh hoạt là một kỹ thuật đơn giản. Ban đêm, gần như gà sao trưởng thành không về chuồng mà ngủ ngay trên các cây cà phê. Sáng gà ăn rất ít, chủ yếu ăn vào ban chiều.
Gà sao ưa ăn cỏ, rau xanh, bắp hạt, anh Hùng bổ sung thêm cho gà thức ăn từ hỗn hợp đầu cá băm nhỏ nấu cùng bã đậu, trộn thân chuối tươi.
Bản thân gà sao có sức sống tốt nên chỉ cần tiêm vắc xin phòng bệnh khi còn nhỏ và bổ sung thêm rượu tỏi vào cám, bắp cho ăn thêm là đủ.
Rượu tỏi có khả năng tăng đề kháng rất tốt cho gà, nhất là trong mùa mưa, khi khí hậu có phần khắc nghiệt do lạnh. Anh Hùng cho biết, với tập tính dễ ăn, dễ chăm này, chi phí nuôi đàn gà sao rất tiết kiệm, giảm hơn nhiều so với nuôi gà ta.
Gà sao có thêm đặc tính chỉ đẻ trứng trong mùa mưa. Đặc tính này có lẽ do điều kiện tự nhiên của Lâm Đồng, vì theo anh Hùng, nhiều nơi ở đồng bằng nuôi thấy gà cũng đẻ vào các mùa trong năm.
Bắt đầu từ tháng 6, tháng 7, khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, gà mái trong trang trại đẻ liên tục suốt mùa và ngừng đẻ khi mùa mưa chấm dứt, chừng 4 tháng.
Gà sao mái không có tập tính ấp trứng nên anh Hùng phải mua máy ấp để phục vụ ấp nở. Sau 29 ngày trứng nở, gà con được nuôi nhốt trong nhà có nền trải trấu, sưởi ấm bằng bóng đèn. Chỉ hơn tháng, gà sao con đủ lớn để ra vườn tự kiếm ăn, theo đàn đi nhặt cỏ, nhặt trấu. Gà sao mái 5-6 tháng là trưởng thành, có thể đẻ trứng liên tục.
Hiện trang trại của anh Nguyễn Văn Hùng đang có hàng ngàn gà sao, cung cấp cho thị trường cả gà sao thịt và gà sao giống. Gà sao với tầm vóc trung bình khi trưởng thành khoảng 2,5 kg/con, anh Hùng bán giá 150.000 đồng/con.
Gà sao giống bán với giá 25.000 đồng/cặp. Dù đầu ra chưa gọi là quá rộng mở do trang trại còn mới nhưng đã mang lại nguồn thu nhập rất tốt cho gia đình.
Đặc biệt, nuôi đàn gà sao dưới vườn cà phê, gia đình anh Hùng vẫn thu được trái chín, dù năng suất không cao như trồng cà phê thâm canh.
Gà sao ăn sạch cỏ, phân gà là nguồn bổ sung phân bón hiệu quả, gia đình không phải làm cỏ, bỏ phân, chỉ cần tới mùa thu hoạch cà phê chín. Vậy là vừa thu nhập từ gà, anh Hùng vẫn có thêm thu nhập từ diện tích cà phê với rất ít công chăm sóc.
Anh Dương Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hộ anh Nguyễn Văn Hùng là nông hộ nuôi gà sao đầu tiên trong xã.
Từ nguồn giống của anh, nhiều bà con trong xã và vùng lân cận đã bắt đầu nuôi loại gia cầm này, vừa tăng thu nhập, vừa cải thiện điều kiện sinh hoạt trong gia đình. Gà thương phẩm của anh Hùng đã cung cấp quanh xã và bán ngoài thị trấn Di Linh, mở thêm hướng làm ăn hiệu quả cho bà con vùng chuyên canh cà phê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.