Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài - Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng.
Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần
Tà Lài là một trong những xã vùng sâu, nằm cách xa trung tâm huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) khoảng 20km. Đây là nơi sinh sống của bà con đồng bào 2 dân tộc Mạ và S'Tiêng.
Ông K' Sơ, người Mạ, 70 tuổi, người làng Tà Lài (ấp 4, xã Tà Lài). Gia đình ông rất nghèo. Các con ông đi làm công nhân ở thành thị. Một mình ông ở nhà nuôi 6 cháu nhỏ.
Một ngày nọ, ông vào rừng tìm măng cho các cháu rồi đi lạc luôn trong rừng. Rừng Cát Tiên rộng lớn và hiểm trở. Lúc đó khoảng đầu tháng 9/2023, trời mưa bão, việc tìm kiếm rất khó khăn.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn của cộng đồng người Mạ và S'Tiêng ở làng Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ảnh: NVCC
Sinh thời, ông nặng hơn 65kg. Sau 1 tháng tìm kiếm, Ka' Tuyền và người làng đưa ông về, chỉ còn lại vỏn vẹn hơn... mười mấy kg xương. Đó là mất mát lớn của gia đình và người dân làng Tà Lài.
Chị Ka' Tuyền, 31 tuổi, mang trong mình 2 dòng máu dân tộc bản địa của làng Tà Lài. Cha của Ka' Tuyền là người S'tiêng, mẹ là người Mạ. Người làng thường trìu mến gọi chị là Ká (Ká Tuyền).
Từ nhỏ, Ká đã thấy, đã sống trong sự khó khăn của làng. Ká vốn là hướng dẫn viên du lịch rừng Cát tiên.
Người làng thường bảo, Ká học giỏi, có việc làm ổn định. Nếu có du khách nào muốn vào làng chơi, Ká nhớ cho các chú, các cậu làm hướng dẫn đi rừng. Bởi họ không muốn vì nghèo khổ mà phải đi rừng, lạc trong rừng, rồi chết trong rừng như ông K' Sơ.
Chị Ká Tuyền vốn là hướng dẫn viên du lịch rừng Cát Tiên bên nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Tà Lài. Ảnh: NVCC
Làng Tà Lài của Ká Tuyền là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo với nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát.
Riêng nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào. Họ chỉ dùng khung dệt làm bằng tre, gỗ để tỉ mẩn làm nên các tấm vải nhiều hoa văn, màu sắc.
Các họa tiết mộc mạc, thể hiện bản chất con người Mạ chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn, mang giá trị lịch sử của một nền văn hóa tồn tại lâu đời.
Trang phục làm từ thổ cẩm của người Mạ ở Tà Lài. Ảnh:NVCC
Bà Ka' Điều (58 tuổi), một trong những nghệ nhân của làng Tà Lài, đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 40 năm qua. Bà không biết rõ, dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ có từ bao giờ.
Chỉ nhớ, khi lớn lên, bà và những cô gái Mạ khác đều được các bà, các mẹ truyền nghề, dạy cách dệt thổ cẩm. Từ năm 15 tuổi, bà Ka' Điều đã thành thạo các kỹ năng. Ngày về nhà chồng, bà cũng tự may cho mình bộ váy cưới.
Một nghệ nhân người Mạ ở làng Tà Lài đang dệt thổ cẩm. Ảnh: NVCC
Đã 58 mùa rẫy đi qua, ngoài giờ lên nương, bà Ka' Điều vẫn dành nhiều thời gian ngồi dệt vải. Đôi tay bà vẫn thoăn thoắt lướt trên khung dệt, nâng niu và gìn giữ khung cửi mẹ để lại ngày nào.
Bà Ka' Điều kể, mấy năm nay, phụ nữ trong làng vừa dệt, vừa cố gắng truyền nghề cho con cháu. Nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4 (xã Tà Lài), bà vẫn miệt mài vận động chị em phụ nữ tiếp nối nghề truyền thống.
Thế nhưng, người dệt phải kiên nhẫn, đôi bàn tay phải khéo và có óc sáng tạo. Nghề truyền thống của đồng bào Mạ, S'tiêng ở Tà Lài không mang lại thu nhập cao, không phải ai cũng thích học và đam mê với nghề.
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào S'tiêng ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC
Nhiều bạn trẻ từ 12-23 tuổi bảo nghề dệt thổ cẩm vất vả, sợ non tay nghề, sản phẩm không bán được nên không theo. Người từ 23-45 tuổi thì có gia đình phải lo, lại sợ không có đầu ra nên nhiều người chọn đi làm công nhân.
Chị Ká Tuyền kể, trước dịch Covid-19, trong làng có gần 60 ông bà còn đan lát và dệt được thổ cẩm. Đầu năm 2024, làng Tà Lài còn 16 ông bà đủ sức khỏe. Đến giờ thì chỉ còn hơn chục người ngồi đan, dệt.
Nỗi ám ảnh sau cái chết của ông K' Sơ lại hiện về. "Ká rất sợ, sợ ông bà mất đi, nghề truyền thống của ông bà rồi cũng mất đi", chị Ká Tuyền tâm sự.
Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài - Tà Lài Eco Lodge
Xã Tà Lài (huyện Tân Phú) có địa hình cảnh quan đa dạng, với núi non hùng vĩ, dòng sông Đồng Nai uốn khúc chảy qua làm cho ruộng đồng xanh tốt. Làng Tà Lài nơi Ká Tuyền ở nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, tách biệt với không gian đô thị.
Cánh đồng Tà Lài mùa lúa chín là một điểm đến mới nổi của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC
Làng Tà Lài trở thành cung đường độc đáo cho loại hình du lịch trải nghiệm mới ở Đồng Nai. Du khách đến đây có thể cắm trại, lưu trú; đạp xe khám phá rừng, thác, hang động; hoặc chèo thuyền SUP trên sông, hồ và tìm hiểu đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương.
Khách du lịch trải nghiệm cũng cảnh thiên nhiên hoang sở ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC
Là người con của làng Tà Lài, chị Ká Tuyền vẫn canh cánh hoài bão, làm sao để các ông bà không còn vất vả đi rừng, được làm nghề truyền thống; các chị có thêm thu nhập nuôi con nhỏ và các em có điều kiện bước lên giảng đường đại học như mình chứ không dừng ở tấm bằng cấp 3 rồi đi làm công nhân.
Chị Ká Tuyền lập dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài để mong giúp đỡ đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị Ká Tuyền ngồi giữa những người phụ nữ Mạ. Ảnh: NVCC
Hiểu rõ tiềm năng du lịch địa phương và quyết tâm khai thác theo cách bền vững, chị quyết định ngừng việc sau 10 năm làm hướng dẫn viên rừng Cát tiên. Tháng 3/2024, chị thuyết phục, tập hợp một số thành viên trong làng, lập dự án du lịch cộng đồng: Tà Lài Eco Lodge.
"Tà Lài Eco Lodge không chỉ là dự án du lịch mà còn là thao thức của Ká hướng đến cộng đồng, để bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng", Ká Tuyền nói.
Nhà nghỉ sinh thái làng Tà Lài - Tà Lài Eco Lodge. Ảnh: NVCC
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Làng Tà Lài do chị Ká Tuyền điều hành hiện có 10 thành viên, đang định hướng phát triển lên HTX. Khu lưu trú homestay Tà Lài Eco Lodge cũng vừa được khai trương.
Tà Lài Eco Lodge đang đón gần 100 khách mỗi tháng. Con số này còn khiêm tốn nếu so với lượng khách cả ngàn người mỗi ngày đến VQG Cát Tiên, song là khởi đầu khá ấn tượng cho một dự án còn non trẻ.
Hiện khách tour chiếm 75% doanh thu của tổ hợp tác, 15% đến từ khách vãng lai, và 10% còn lại từ chuỗi cung ứng các dịch vụ đi kèm.
Trong đó, Tà Lài Eco Lodge đón hơn 30 khách nước ngoài/tháng. Họ rất quan tâm đến du lịch văn hóa bản sắc dân tộc và khám phá sự đa dạng thiên nhiên.
Du khách nước ngoài thích thú khám phá đời sống văn hóa cộng đồng ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC
Bà Ka' Điều, giờ cũng thành viên tổ hợp tác, chia sẻ, có khoảng 30% khách du lịch quay trở lại. Điều này cho thấy làng Tà Lài đã có hướng đi đúng và bước đầu thành công trong việc thiết kế tour, lồng ghép nhiều trải nghiệm.
Thông qua du lịch, nhiều cơ hội việc làm mới đang tạo ra cho cộng đồng. "Người già trong làng vui vì có thể bán thêm được nhiều tấm vải, nhiều gùi, rổ đan lát thủ công", bà Ka' Điều kể.
Kết nối, phát triển lịch cộng đồng làng Tà Lài
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của dự án là các dịch vụ trải nghiệm còn ít, nhiều hạng mục xuống cấp. Tà Lài Eco Lodge cũng gặp hạn chế do đặc thù tính mùa vụ khi làm du lịch.
Cánh đồng Tà Lài mùa lúa chín là một điểm đến mới nổi của huyện Tân Phú. Nhưng do ảnh hưởng của mùa nước, người dân chỉ trồng được 2 vụ lúa mỗi năm. Mùa khô kéo dài khiến hồ, suối cạn nước. Du khách cũng chỉ tập trung vào cuối tuần nên chưa tối đa được doanh thu.
Từ vật dụng thường nhật, nay sản phẩm rổ, rá, gùi đan lát thủ công của người làng Tà Lài có thể bán làm quà lưu niệm. Ảnh: NVCC
Hoạt động du lịch giúp nhiều phụ nữ làng Tà Lài có thêm việc làm để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC
Chị Ká Tuyền cho biết, giải pháp cần thiết lúc này là điều chỉnh giá cho phù hợp. Tổ hợp tác sẽ thiết kế đa dạng các tour theo chủ đề, mùa vụ; đồng thời tận dụng sức mạnh cộng đồng và câu chuyện sản phẩm để giới thiệu đến nhiều du khách hơn.
"Chúng tôi tận dụng cảnh quan có sẵn để kết nối, xây dựng điểm nhấn du lịch riêng khi đến với Tà Lài – Vườn Quốc gia Cát Tiên, và cũng cần thêm nguồn vốn hợp tác đầu tư", Ká Tuyền tâm sự.
Dự án Làng du lịch cộng đồng Tà Lài của chị Ká Tuyền giành giải Nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai vừa qua. Ảnh: NVCC
Tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai tháng 8 vừa qua, dự án của chị Ká Tuyền đã xuất sắc giành giải Nhì.
Cuộc thi nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, và Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.
Theo TS. Nguyễn Văn Tân - Trưởng khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai), thành viên Hội đồng giám khảo, việc khai thác giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch là một trong các chiến lược của tỉnh.
Dự án Làng du lịch cộng đồng Tà Lài có tiềm năng lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của người dân tộc tại làng Tà Lài. Nếu khai thác hiệu quả, dự án có thể tạo công việc cho nhiều người dân trong làng, với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Lớp học cộng đồng dạy tiếng Anh và tiếng địa phương cho trẻ em trong làng Tà Lài. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, lớp học cộng đồng dạy tiếng Anh và tiếng địa phương vẫn đang được duy trì. Lớp học diễn ra ngay tại những ngôi nhà nhỏ trong làng. Việc tổ chức các lớp học giúp cộng đồng nâng cao trình độ ngôn ngữ và giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của dự án là còn khá mới mẻ, khâu truyền thông chưa thật tốt. Dự án triển khai trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên khó tránh khỏi những khó khăn bước đầu.
"Việc tham gia cuộc thi lần này cũng là một cách để dự án tăng cơ hội truyền thông, tiếp cận các đơn vị lữ hành, cùng các hoạt động hỗ trợ vốn và gói đào tạo sau cuộc thi để phát triển", TS. Tân chia sẻ.
Với mô hình nuôi chim công (một loài chim hoang dã, động vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ) đầu tiên ở tỉnh Hải Dương, anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã gây dựng thành công trang trại rộng 4000m2 với mức thu nhập lên tới 500 triệu đồng mỗi năm.
Thực hiện kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Đắk Nông dự kiến sắp xếp 71 đơn vị hành chính cấp xã thành 28 đơn vị, trong đó có 3 xã được giữ nguyên, nghĩa là không phải sáp nhập với xã nào.
Hai tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên sáp nhập, tỉnh mới dự kiến mang tên Đắk Lắk sẽ sở hữu bờ biển dài và tiềm năng kinh tế biển đa dạng của Phú Yên, bao gồm khai thác hải sản, du lịch biển và cảng biển. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển, tận dụng lợi thế vị trí địa lý để mở rộng giao thương và logistics, kết nối vùng Tây Nguyên với biển Đông.
Nghệ nhân Lê Thị Thiết bày tỏ niềm tự hào khi phở bò Nam Định đã được vinh danh là “Tri thức dân gian Phở Nam Định” – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Đặc biệt, khi Nam Định hợp nhất với Ninh Bình, Hà Nam để thành lập tỉnh Ninh Bình mới, chị tin rằng phở Nam Định sẽ ngày càng nổi tiếng, thậm chí "mọc thêm cánh" phát triển mạnh mẽ hơn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn thành phố Hoa Lư, cho thấy sự chủ động và quyết liệt của tỉnh trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm du lịch.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, tỉnh mới dự kiến tên là Bắc Ninh và trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang. Trước đó, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch trung tâm hành chính mới (trên 10.000ha) tại khu vực phường Hương Gián, Tân An - thành phố Bắc Giang.
Giá sầu riêng hôm nay, ngày 21/4: Sầu riêng Ri6 VIP có giá từ 70.000 - 72.000 đồng/kg, Ri6 loại A ở mức 55.000 - 58.000 đồng/kg và sầu riêng Ri6 loại B ở mức từ 35.000 – 38.000 đồng/kg; Sầu riêng Thái VIP có giá 110.000 – 112.000 đồng/kg, sầu riêng Thái A có giá từ 95.000 - 97.000 đồng/kg, sầu riêng Thái loại B có giá từ 75.000 - 77.000 đồng/kg.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện 2 xã Cao Sơn và Long Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An). Hiện có 7 hộ dân nuôi lợn ghi nhận dịch tả lợn châu Phi. Huyện Anh Sơn ví như 'thủ phủ' nuôi lợn của Nghệ An, nơi có tổng đàn lợn hơn 65.000 con, địa phương này lo dịch sẽ diễn biến phức tạp.
Sau thành công với sản phẩm “Thịt gác bếp Cao Lan” đạt OCOP 3 sao vào năm 2022, anh Hoàng Xuân Mau, dân tộc Cao Lan tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, đã cho ra sản phẩm “Lạp sườn gác bếp Cao Lan” cũng đạt 3 sao OCOP 2024.
Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, xã Bản Phiệt không chỉ gây ấn tượng bởi hệ thống giao thông hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, mà còn nổi bật với nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả và sáng tạo.