Lãnh đạo huyện Đông Anh lý giải việc vẫn yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc

Sông Bùi Thứ năm, ngày 12/08/2021 12:01 PM (GMT+7)
Mặc dù TP.Hà Nội đã có điều chỉnh việc kiểm tra "giấy đi đường" đối với người dân ra khỏi nhà, tuy nhiên, huyện Đông Anh vẫn yêu cầu kèm theo giấy đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc.
Bình luận 0

Người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc

UBND huyện Đông Anh (Hà Nội), ngày 11/8,  ban hành Văn bản về việc tăng cường siết chặt công tác cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn huyện.

Theo văn bản này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ngoài huyện Đông Anh (hiện đang cư trú trên địa bàn huyện), thực hiện việc cấp giấy đi đường theo quy định mẫu của UBND TP.

"Người đi đường xuất trình kèm theo Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị", văn bản nêu.

Lãnh đạo huyện Đông Anh lý giải về việc vẫn yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc - Ảnh 1.

Lực lượng công an Hà Nội kiểm tra giấy đi đường của người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. (Ảnh:Ngọc Hải).

Theo văn bản, các nhân viên vận chuyển, cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải có giấy đi đường theo mẫu, do chủ doanh nghiệp ký, đóng dấu và có xác nhận của Phòng Kinh tế huyện.

Các phương tiện, nhân viên vận chuyển, cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đủ điều kiện hoạt động, ngoài giấy đi đường theo mẫu phải có Căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...

Đáng chú ý, trong văn bản, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện phải thực hiện theo phương án hoạt động "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".

Chỉ được đi đường trong các trường hợp thực hiện hoặc được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 - có biển hiệu do Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện cấp hoặc thực hiện nhiệm vịu cấp thiết theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị giao (khi đi làm nhiệm vụ cần xuất trình Giấy đi đường và văn bản giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị).

Lãnh đạo huyện Đông Anh lý giải về việc vẫn yêu cầu người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc - Ảnh 2.

Một khu một trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) được cách ly y tế sau khi liên quan đến bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Gia Khiêm).

Đông Anh đang là vùng dịch nguy hiểm

Liên quan đến văn bản này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh khẳng, huyện không ban hành văn bản để phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân.

Theo ông Linh, huyện Đông Anh đang là vùng dịch, có các chùm ca bệnh rất phức tạp, nguy cơ rất cao, nên huyện khuyến cáo người dân nếu không cần thiết thì không nên ra ngoài. Văn bản của huyện ban hành cũng chỉ muốn tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rằng nếu thật sự cần thiết thì mới ra ngoài đường.

"Các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay đều phải thực hiện theo 2 phương án, một là 3 tại chỗ, hai là 1 cung đường 2 điểm đến. Với người dân, quan điểm của huyện là nếu họ có giấy đi đường do UBND xã xác nhận thì vẫn đi được. Nhưng huyện mong muốn người dân phối hợp hạn chế đi ra ngoài", ông Linh nói.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, đây là thời gian vàng để khống chế, các biện pháp được thực hiện để không lây lan dịch bệnh, chứ không phải gây khó khăn cho người dân. "Bản thân chúng tôi, cơ quan UBND huyện cũng đã phải thực hiện 3 tại chỗ. Từ nay đến 23/8, chính chúng tôi cũng không được về nhà", ông Linh chia sẻ thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, tính đến 18 giờ ngày 11/8 tổng số ca nhiễm Covid-19 (F0) trên địa bàn huyện là 155 người - trở thành địa bàn có số lượng F0 lớn nhất TP Hà Nội.

Huyện Đông Anh cũng đã ghi nhận 9 ổ dịch, gồm: Công ty SEI, (Khu công nghiệp Thăng Long); Công ty Casa; Khu vực Bệnh viện Bắc Thăng Long; Ổ dịch thôn Cổ Điển (xã Hải Bối); Tổ 35 thị trấn Đông Anh, xóm Đông (xã Vân Nội); thôn Lại Đà (xã Đông Hội); Ổ dịch liên quan chợ Đồng Xa (Cầu Giấy) và Bệnh viện Phổi Hà Nội. Tổng số F1: 699 người, F2 831 người, hiện vẫn đang tiếp tục điều tra, truy vết. Huyện đã phong tỏa: 11 khu dân cư với 1.468 hộ, 5.631 nhân khẩu để điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm.

"Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh đã họp và xác định phải chuyển trạng thái của huyện Đông Anh là vùng dịch nguy hiểm, chứ không còn là khu vực nguy cơ cao nữa. Vì vậy, huyện đã báo cáo TP cho phép thực hiện một số biện pháp đặc thù, nhằm siết chặt hơn trong quản lý giãn cách xã hội, bao gồm cả việc cấp, sử dụng giấy đi đường", ông Dũng cho hay.

Không ngăn sông cấm chợ

Liên quan đến những ý kiến băn khoăn của người dân về việc UBND huyện Đông Anh có làm "trái" với chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TP.Hà Nội, bởi bởi ngày 10/8 UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 577/TB-UBND, quy định người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (CCCD/CMTND/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021).

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng khẳng định, quy định của huyện không đi ngược với tinh thần chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, bởi quy định tại Thông báo số 577 được áp dụng trên toàn TP. Trong khi đó, huyện Đông Anh đã phải chuyển phương án phòng, chống dịch đối với khu vực bệnh dịch nguy hiểm, buộc huyện phải thực hiện phương án đặc thù.

"Tuy nhiên, quy định như thế không có nghĩa là "ngăn sông, cấm chợ", chúng tôi siết chặt hơn việc cấp, sử dụng giấy đi đường là để hạn chế tối đa những người đi ra đường không thực sự cần thiết, cấp bách. Huyện vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho những tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, hoạt động vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa, vật tư thiết yếu", Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết thêm.

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, liên quan đến việc cấp, sử dụng giấy phép đi đường, UBND huyện Đông Anh yêu cầu doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện phương án "3 tại chỗ", doanh nghiệp nào không đủ điều kiện sẽ không được sản xuất. Đồng thời tất cả công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện quay trở lại làm việc sẽ phải ở lại nơi làm việc từ 0 giờ ngày 12/8 đến khi có thông báo mới.

Trước đó, ngày 7/8, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã ký, ban hành công văn về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn yêu cầu người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Sau khi công văn trên được ban hành, UBND TP.Hà Nội đã phải điều chỉnh trong sáng 10/8 vì phản ứng gay gắt của người dân. Nhiều người dân, chuyên gia cho rằng, những yêu cầu trên không phù hợp, phát sinh nhiều "giấy tờ con", gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp khi xin giấy tờ đi đường, làm việc.

Nhiều người cũng lo ngại việc tập trung xin giấy tờ tại chính quyền cơ sở và việc kiểm tra giấy tờ quá lâu tại các chốt kiểm soát làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem