"Ông lớn" du lịch, khách sạn 5 sao đều "trọng thương" vì Covid-19
Lỗ 102 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp du lịch "chết đứng", xin rút giấy phép kinh doanh
H.Phúc
Thứ năm, ngày 17/06/2021 14:06 PM (GMT+7)
90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound tại TP.HCM đã ngừng hoạt động. Các "ông lớn" du lịch, khách sạn 4-5 sao cũng "trọng thương" vì Covid-19.
Từ tháng 3/2020, doanh thu Pegas, công ty chuyên kinh doanh mảng inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam) không có doanh thu, bởi không có khách du lịch quốc tế, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế.
Đại diện doanh nghiệp cho biết khách Nga là nhóm khách mà công ty đón nhiều nhất những năm qua. Khách Nga rất tiềm năng tại thị trường Việt Nam, chi tiêu của họ khi vào Việt Nam ngày càng tăng và cũng cao hơn so với khách du lịch từ một số nước khác. Nhưng hơn một năm qua, công ty mất trắng.
Hầu hết công ty kinh doanh mảng inbound cũng "chết đứng", dù xoay sở đủ hướng nhưng không thể cầm cự nổi. Ghi nhận cho thấy hàng loạt văn phòng, đại lý các công ty du lịch chuyên phục vụ khách quốc tế khi đến Việt Nam trên đường Lê Thánh Tôn, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… (quận 1, TP.HCM) cũng đã đóng cửa. Từ sau Tết Nguyên đán, làn sóng trả mặt bằng ngày càng nhiều hơn.
Thống kê mới nhất của Sở Du lịch TP.HCM cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, không có bất kỳ khách du lịch quốc tế nào đến TP.HCM, khách nội địa giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu lữ hành chỉ khoảng 30% so với năm ngoái. Kết quả này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM.
Cụ thể, có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound tại thành phố đã tạm ngưng hoạt động. Tính đến cuối tháng 5/2021, sau hơn 1 năm Covid-19 xảy ra, có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp du lịch sống "ngắc ngoải", lỗ 102 tỷ đồng
Ngay cả các "ông lớn" trong ngành du lịch cũng đang "trọng thương" vì Covid-19. Cao điểm hè hàng năm, Vietravel luôn chỉn chu trong thiết kế, ý tưởng để thu hút khách nhưng những ngày này, trụ sở Vietravel tại TP.HCM nằm trên đường Pasteur vắng tanh, không trang trí cũng không có sức sống.
Chủ tịch Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ, khẳng định Covid-19 đã khiến ngành du lịch rơi vào khủng hoảng nặng nề nhất từ trước đến nay, tất cả doanh nghiệp lữ hành trên cả nước gần như đã dừng hoạt động. Ngay cả doanh nghiệp lớn như Vietravel, từ hơn cả nghìn lao động nhưng nay chỉ còn giữ chân được khoảng 50 người để duy trì hoạt động.
Tình hình khó khăn, Vietravel đã quyết định tách Vietravel Airlines vốn chỉ mới hoạt động được vài tháng ra khỏi công ty mẹ để thoát lỗ. HĐQT Vietravel cho biết, mảng kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ năm 2020 đến trước đợt Covid-19 lần thứ tư, doanh nghiệp này đã phải đóng hàng loạt chi nhánh để cắt giảm chi phí.
Doanh thu của Vietravel giảm hơn 73% trong năm 2020, ghi nhận lỗ 90 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2021, Vietravel lỗ lũy kế hơn 102 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 102 tỷ đồng.
Tương tự, lượng khách của lữ hành Saigontourist năm 2020 chỉ đạt 30% so với năm 2019, doanh thu chỉ đạt khoảng 25%, giảm 3.900 tỷ đồng so với năm 2019.
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết: Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Qua thống kê, đến nay, hơn 50% khách sạn 3 sao đã tạm ngưng hoạt động, nhóm khách sạn 4-5 sao đang hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lao động giảm hơn 50%. Còn khách sạn 5 sao, doanh thu từ hoạt động lưu trú giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%.
Doanh nghiệp du lịch cần được hỗ trợ gấp
"Tình hình hoạt động của doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị lữ hành tuy không có doanh thu nhưng vẫn chi trả các khoảng chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế… tạo gánh nặng cho doanh nghiệp", lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM nhận định.
Do đó, Sở Du lịch TP.HCM đã đề xuất UBND TP xem xét, trình Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của Covid-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sớm phục hồi.
Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị giảm thuế suất VAT từ 10% xuống còn 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động. Xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.
Sở cũng kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.
Đồng thời, kiến nghị xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch mong muốn được giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu; thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.