Hàng năm, tỷ lệ đăng ký xét tuyển trên chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường khối Sức khỏe luôn nằm trong top cao nhất trong các khối ngành đào tạo. Năm 2021, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục đại học - Bộ GDĐT, tỷ lệ NV1/chỉ tiêu của khối ngành Sức khỏe là 129.94%, đứng thứ 8 trong top 15 nhóm ngành đại học hot nhất năm 2021.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhu cầu nhân sự các ngành nghề cũng thay đổi. Trong đó, những ngành nghề của khối Sức khỏe như chăm sóc sức khỏe, y tế trở nên khát nhân sự hơn. Theo các chuyên gia tuyển sinh, điều này sẽ tác động ít nhiều đến nhu cầu học và đào tạo khối Sức khỏe trong mùa tuyển sinh 2022.
Qua mỗi mùa tuyển sinh, khối ngành Sức khỏe luôn có điểm thi tuyển sinh cao vào loại nhất nhì trong số các khối ngành. Mặt khác, theo báo cáo đánh giá tình hình việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực (Bộ GDĐT), xét theo khối ngành đào tạo, sinh viên tốt nghiệp thuộc nhóm ngành Y Dược chiếm tỷ lệ có việc làm cao nhất (96,3%). Điều này đã tác động tâm lý đến nhiều sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề có thể tạo được hướng đi rõ ràng sau khi ra trường.
Từ thực tế đó, cộng với bối cảnh dịch Covid-19 dự báo sẽ còn kéo dài, nhiều trường đại học không chuyên chưa mở bao giờ có ngành này cũng... chạy đua mở thêm ngành đào tạo liên quan đến Y Dược.
Tại trường Đại học Hồng Bàng, điểm mới trong danh mục tuyển sinh năm nay là trường tiếp tục đầu tư cho khối ngành Sức khoẻ. Ngoài 7 ngành hiện tại đang đào tạo là Y, Răng – Hàm – Mặt, Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Phục hồi chức năng, Hộ sinh, trường dự kiến mở thêm 2 ngành trong năm 2022 là Bác sĩ Y học cổ truyền, Sức khoẻ răng miệng.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng mở thêm ngành Dược học. Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện đang có 3 khoa Y, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học... Trường cho biết, dự kiến trong năm 2022, trường có thể tăng chỉ tiêu xét tuyển cho các khoa này vì nhu cầu đào tạo nhân lực tăng.
Tại Đại học Đại Nam, trong mùa tuyển sinh 2021, trường cho biết số lượng hồ sơ xét tuyển vào khối ngành Sức khỏe của trường đã tăng lên gấp 10 lần so với năm 2020.
PGS. TS Vũ Văn Điền – Trưởng khoa Dược Trường Đại học Đại Nam nhận định: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành như hiện nay, hệ thống y tế và những dịch vụ đi kèm sẽ luôn được quan tâm hàng đầu. Các nghiên cứu trong lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được đầu tư rất lớn không chỉ từ các công ty tư nhân mà cả các chính phủ. Bên cạnh đó, nhìn nhận ở một góc độ khách quan thì đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ may mắn hơn vì không rơi vào tình trạng thất nghiệp như nhiều ngành nghề khác. Và dù nền kinh tế -chính trị - xã hội có thay đổi như thế nào cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến vai trò và chức năng của ngành y tế…".
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GDĐT sáng 11/11 ở Quốc hội, một đại biểu đã đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GDĐT nêu thực tế, hiện nay nhiều trường đào tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe, trong khi, điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành là rất lớn.
Nữ đại biểu này đặt vấn đề: "Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định, điều kiện để mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe theo quy định là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường được Bộ GD-ĐT cho phép mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Y tế", Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, việc mở các mã ngành sức khỏe hiện được tiến hành theo các quy định, quy chuẩn và rất chặt chẽ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.