Loài sinh vật ngoại lai lại xuất hiện, nông dân một xã ở Thái Bình cần mẫn bắt bằng tay bảo vệ lúa

Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:02 AM (GMT+7)
Vụ xuân năm 2024, huyện Thái Thụy (Thái Bình) gieo cấy 11.723ha lúa (tăng 300ha so với kế hoạch), chủ yếu là các giống lúa năng suất, chất lượng cao như: BC15, TBR 225, J02, Đài thơm 8... Đến thời điểm này các trà lúa xuân đang trong quá trình phát triển bộ rễ, đẻ nhánh, tuy nhiên ở nhiều chân ruộng, ốc bươu vàng phát sinh, gây hại.
Bình luận 0

Thụy Ninh là một trong những địa phương có diện tích gieo cấy lúa vụ xuân nhiều nhất huyện Thái Thụy (Thái Bình). Thăm những cánh đồng trên địa bàn xã vào thời điểm này, nông dân đang tập trung bón phân, phun thuốc trừ sâu, ai cũng cẩn thận theo dõi từng thửa ruộng để bảo vệ diện tích lúa khỏi sự phá hoại của chuột, ốc bươu vàng và một số loại sâu bệnh xuất hiện sớm.

Anh Phạm Tiến Quân, thôn Đoài (xã Thụy Ninh) chia sẻ: Vụ xuân năm 2024, gia đình tôi gieo cấy gần 25ha lúa. Vụ này thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên tôi đã chọn giống lúa chất lượng cao TBR225, VNR20... để gieo cấy. Năm nay, tôi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, phấn đấu năng suất đạt 75 tạ/ha. 

Ngay từ đầu vụ, tôi đã liên kết với Công ty Cổ phần Phát triển ECO Hà Nội để sản xuất lúa hữu cơ, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tôi đang tập trung bón thúc cho lúa đẻ nhánh. Thời điểm này “lúa lấy nước làm áo” nên tôi luôn giữ mực nước nông đều khắp mặt ruộng giúp cho lúa đẻ nhánh tốt, đặc biệt lúa vừa gieo cấy lại nhanh bén rễ hồi xanh.

Loài sinh vật ngoại lai lại xuất hiện, nông dân một xã ở Thái Bình cần mẫn bắt bằng tay bảo vệ lúa- Ảnh 1.

Nông dân huyện Thái Thụy (Thái Bình) bắt trứng, ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thụy Ninh cho biết: Vụ này, HTX gieo cấy 445,3ha lúa, sau gieo cấy, HTX chỉ đạo bà con nông dân chuyển trọng tâm sang chăm sóc và bảo vệ lúa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chăm sóc, HTX phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tiết thủy lợi, tránh tình trạng khô hạn phục vụ nông dân bón thúc đạt hiệu quả. Cùng với đó, khuyến cáo bà con tiếp tục đánh bắt chuột, diệt ốc bươu vàng gây hại cây lúa.

Cùng với nông dân Thụy Ninh, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Thái Thụy đang tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa xuân.

Ông Hà Duy Dương, Giám đốc HTX SXKD DVNN Thái Thuần cho biết: Vụ xuân năm 2024, HTX gieo cấy 336,5ha. Do chủ động gieo cấy trong khung thời vụ và đúng kỹ thuật nên 100% diện tích lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt. 

HTX chỉ đạo tổ dịch vụ thủy nông điều tiết nước hợp lý tưới, tiêu trên các xứ đồng; đồng thời hướng dẫn người dân tỉa dặm, bón thúc. Trong tháng 3 có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên theo dõi kiểm tra trên các cánh đồng và phòng, trừ sâu bệnh.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với các HTX hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh hại. Đối với lúa cấy sẽ bón thúc ngay sau khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh bằng các loại phân NPK chuyên dùng và bón thêm phân kali để cây lúa tăng sức đề kháng với sâu bệnh. 

Còn những diện tích lúa gieo thẳng khi cây lúa được 2,5 - 3 lá, thời tiết ấm, nhiệt độ trên 15 độ C, tiến hành bón 3 - 4kg NPK hàm lượng cao hoặc 1 - 2kg đạm urê/sào; khi cây lúa 4 - 5 lá tiến hành tỉa dặm bảo đảm mật độ (100 - 110 dảnh/m2), bón thúc kịp thời để lúa sinh trưởng, phát triển tốt. 

Hiện tại, ốc bươu vàng đã phát sinh và gây hại trên các chân đất trũng, người dân cần thu bắt trứng bằng biện pháp thủ công, khi ruộng có mật độ ốc cao 3 - 5con/m2 trở lên dùng thuốc hóa học để phòng, trừ. Từ nay đến lúc lúa làm đòng, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng, trừ kịp thời, phù hợp.

Tính đến ngày 19/3, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Thái Thụy đã hoàn thành làm cỏ, bón thúc lần 2, đạt 65% diện tích lúa xuân.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ lúa xuân năm nay đã có những chuyển biến cả về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cũng như áp dụng cơ giới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Thời gian tới, khi thời tiết ấm dần là thời điểm thích hợp để lúa đẻ nhánh, phát triển lá nhưng cũng sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển trên diện rộng. 

Để lúa xuân phát triển tốt, bảo đảm thắng lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo người dân cần chủ động chăm sóc lúa, điều tiết nước hợp lý, bón phân đầy đủ, tăng cường phân lân, kali để cây cứng, quan tâm theo dõi phát hiện các đối tượng gây hại như ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn để kịp thời xử lý.

Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), là loại ốc thuộc họ Ampullariidae, lớp Chân bụng (Gastropoda), ngành Thân mềm (Mollusca), có nguồn gốc Trung và Nam Mỹ. Ốc được du nhập vào Việt Nam trong những năm 1985-1988 để chăn nuôi làm thức ăn, nhưng đã thoát ra tự nhiên và trở thành một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng nhất cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Thắm (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem