Long An được đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng để “hỗ trợ việc làm bền vững” cho lao động

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 14/06/2023 16:07 PM (GMT+7)
Cũng như nhiều địa phương, xác định tạo việc làm, tăng thu nhập là kênh chính để giảm nghèo, tỉnh Long An đã có nhiều giải pháp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo. Hiện tỉnh đang thực hiện tốt Tiểu dự án 4.3 nhằm hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động.
Bình luận 0

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm xuống

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh Long An triển khai 6 dự án, một trong 6 nội dung đó là Tiểu dự án 4.3 “Hỗ trợ việc làm bền vững” mục tiêu là kết nối tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nghèo. 

Thực hiện tiểu dự án này, Long An phấn đấu 100% lao động trong độ tuổi được tư vấn giới thiệu việc làm; ít nhất mỗi hộ nghèo có 1 lao động được tạo việc làm bền vững… Đồng thời phấn đấu kết nối việc làm thành công cho hàng trăm lao động nghèo, lao động vùng đặc biệt khó khăn. 

Theo bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Long An, tính đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 6.234 hộ trên tổng số 479.632 hộ dân, chiếm tỷ lệ 1,30%. Thực hiện giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025 tỉnh phấn đấu mỗi năm giảm 15% tổng số hộ nghèo.

việc làm bền vững

Trung tâm dịch vụ việc làm Long An tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động. Ảnh: N.T

Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh chuyển từ giảm nghèo theo diện rộng chuyển sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu với 3 điểm cốt lõi. Cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào vùng lõi nghèo, đầu tư vào con người, nâng cao năng lực con người; chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ từng hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với từng địa phương; hỗ trợ người nghèo các vấn đề quan trọng như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm bền vững...

Thực hiện tiểu dự án 4.3, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, trong đó có phê duyệt kế hoạch triển khai tiểu dự án. Thực hiện các nội dung theo Thông tư số 11 của Bộ LĐTBXH.

Kết quả bước đầu cho thấy, tỉnh đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Long An tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 1.500 lao động, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo.

Song song với đó, trung tâm cũng tổ chức thu nhập dữ liệu lao động; chủ sử dụng lao động từ đó thống kê, tổng hợp, phân tích nhu cầu tuyển dụng công khai thông tin trên các Website để các đơn vị có nhu cầu tìm kiếm.

Tỉnh cũng đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động ở các địa phương … để hỗ trợ kết nối việc làm cho lao động, nhất là lao động nghèo. Cùng với đó, các hoạt động đầu tư trang thiết bị, máy móc nhằm hiện đại hóa sàn giao dịch việc làm cũng được thực hiện. 

Tồn tại nhiều khó khăn, khiến tiến độ triển khai chậm

Tổng ngân sách được đầu tư thực hiện tiểu dự án 4.3 ở Long An trong năm 2023 và hơn 3,6 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, tỉnh đã tổ chức được 2 phiên giao dịch việc làm, với sự tham gia của 32 doanh nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho 1.530 lao động. Thực hiện 2 cuộc khảo sát, điều tra, thu nhập thông tin về thị trường lao động…

Mặc dù việc triển khai tiểu dự án 4.3 đạt được kết quả nhất định xong cũng tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Báo cáo đánh giá kết quả triển khai tiểu dự án 4.3 của Sở LĐTBXH tỉnh Long An gửi Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho thấy, kết quả thực hiện tiểu dự án còn nhiều tồn tại. Đây là năm đầu tiên triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành trung ương ban hành chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững - Hỗ trợ việc làm bền vững nên chương trình năm 2022 phải chuyển sang năm 2023.

Theo lãnh đạo sở LĐTBXH, việc triển khai tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững nguồn vốn đầu tư phát triển còn chậm. Việc chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu do Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An đề xuất chưa đồng bộ về cấu hình nên hồ sơ phải rà soát điều chỉnh nhiều lần. 

tạo việc làm bền vững

Lao động nghèo được tư vấn, giới thiệu, kết nối tạo việc làm bền vững. Ảnh: NN

Để tiếp tục thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiểu dự án, Sở LĐTBXH tỉnh Long An kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phân bổ kinh phí; kịp thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về Hỗ trợ việc làm bền vững.

Đồng thời, sở cũng kiến nghị Bộ LĐTBXH gỡ vướng mắc liên quan tới việc quy định cấp mã danh mục nghề nghiệp cho một số ngành nghề trong lĩnh lực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… và hướng dẫn việc cập nhật vào phần mềm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì được thực hiện vào thời gian nào trong năm, kinh phí thực hiện từ nguồn nào?

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông, nâng cao nhận thức về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Hỗ trợ việc làm bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời sớm phân bổ kinh phí, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững - Hỗ trợ việc làm bền vững cho cán bộ làm công tác việc làm cấp tỉnh, huyện, xã để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung và Hỗ trợ việc làm bền vững nói riêng nhằm đảm bảo đạt hiệu quả, đúng quy định”, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Long An  chia sẻ về các hoạt động trong thời gian tới.                               


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem