Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Truyền (ảnh) - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An về mục tiêu và kết quả xây dựng NTM của tỉnh.
Được biết, giai đoạn 2015-2020, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh hoàn thành vượt chỉ do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Xin ông cho biết, cụ thể giai đoạn này, Chương trình xây dựng NTM tỉnh nhà đã đạt được những gì?
- Giai đoạn 2015-2020, tỉnh phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, hiện đã đạt 55%, cuối năm có thể đạt 57% kế hoạch. Tính đến tháng 6/2020, tỉnh có 88/161 xã đạt chuẩn NTM (chỉ tiêu là 83 xã NTM vào cuối năm 2020).
Hiện tỉnh có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến đến cuối năm có thêm 1-2 xã. Giai đoạn vừa rồi, dù không đưa vào kế hoạch tỉnh Long Anh sẽ có huyện đạt chuẩn NTM, nhưng thực tế tỉnh đã có huyện Châu Thành về đích NTM và TP.Tân An chuẩn bị công bố hoàn thành NTM.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã huy động được trên 55.300 tỷ đồng để thực hiện chương trình NTM. Nhìn chung các ngành, các cấp đã chủ động và tập trung lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện xây dựng NTM, nhất là vốn tín dụng. Việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
"Hiện các trục đường hoa ở các huyện Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… rất đẹp. Sở NNPTNT ngoài vai trò điều phối, hỗ trợ tuyên truyền, còn hỗ trợ kinh phí cho các hội, đoàn làm đường hoa. Đối với cây xanh, mỗi địa phương phải dành kinh phí mua cây trồng trên các trục đường".
Ông Nguyễn Thanh Truyền
Chương trình góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện.
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm chỉ đạo, nhất là vấn đề xử lý rác thải và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng/năm (2010) đã tăng gấp 3, lên 45 triệu đồng/năm (2019); hộ nghèo giảm còn 1,52%, hộ cận nghèo giảm còn 2,71%; khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị từng bước được thu hẹp.
Thưa ông, có đúng là sẽ có hàng hoạt huyện và thị xã ở Long An sẽ về đích NTM trong giai đoạn 2020-2025?
- Đúng vậy, theo kế hoạch sẽ có khá nhiều huyện và thị xã sẽ về đích NTM trong giai đoạn này. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu: Có thêm ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Tân Trụ, Tân Thạnh, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường. Trong đó, ít nhất có 2 huyện đạt NTM nâng cao. Riêng huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cấp xã có từ 70-75% xã đạt chuẩn NTM (lũy kế); có ít nhất 20% xã (34 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao (lũy kế); không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Tổng mức vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 dự kiến hơn 172.510 tỷ đồng. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,3 lần so với năm 2020.
Ngoài ra, Sở NNPTNT đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục nâng chất các xã đạt NTM. Rà soát tất cả số xã đạt NTM so với các tiêu chí NTM nâng cao để biết xã nào đạt hay chưa đạt để có lộ trình phấn đấu. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình xây dựng NTM là theo chỉ đạo của Văn phòng Điều phối T.Ư: Phấn đấu 80% số xã đạt NTM, trong đó 40% nâng cao, 10% kiểu mẫu.
Đâu là tiền đề để Long An tin rằng sẽ đạt được mục tiêu khá khó khăn này?
- Long An đang có thuận lợi của đà 10 năm xây dựng NTM vừa qua. Giai đoạn này đã tạo được ý thức, đồng thuậncủa người dân tham gia xây dựng NTM. Chương trình này là tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nên huy động được tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, được các nguồn lực đầu tư lồng ghép chương trình.
Nhìn vào danh sách các huyện sẽ về đích NTM trong giai đoạn này, khu vực Đồng Tháp Mười có 6 huyện và 1 thị xã nhưng chỉ có thị xã Kiến Tường hoàn thành NTM. Vậy có phải các huyện khác còn đang gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
- Vùng Đồng Tháp Mười có hạ tầng giao thông khá yếu. Đây là vùng đặc thù với kênh, rạch chằng chịt, phải đầu tư cầu, cống khá lớn. Qua 10 năm xây dựng NTM, các địa phương đã có nhiều cố gắng cải thiện hạ tầng giao thông. Về cơ bản là đường đi được nhưng mới cứng hóa, còn bê tông hóa chưa nhiều. Xe ôtô có thể dễ dàng đến các trung tâm xã. Nhưng đường nội đồng, liên ấp đi lại còn khá khó khăn.
Đây là một vấn đề lớn của khu vực này, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Về tiêu chí giao thông, khu vực này mức đầu tư sẽ rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh lại hạn hẹp, nên cần phải huy động toàn xã hội tham gia.
Trước đây, các huyện có phong trào hiến đất, đóng góp tiền của để cải thiện giao thông nông thôn. Nhưng đường nội đồng làm khá nhỏ nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa khá khó khăn. Giờ những con đường này phải tổ chức làm chỗ tránh xe. Các cầu khi xây dựng phải chịu tải 5-8 tấn.
Ngoài ra, tiêu chí điện cũng là vấn đề khó cho khu vực này. Trước đây, người dân chủ yếu dùng điện một pha chỉ phục vụ thắp sáng. Nhưng giờ, điện không chỉ còn thắp sáng mà còn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, bơm tưới phát triển cánh đồng lớn nên cần điện 3 pha.
Tăng thu nhập cho người dân khu vực này cũng là vấn đề lớn. 4 - 5 người chỉ chăm chăm vào 1 - 2 thửa ruộng thì không ăn thua. Quan điểm là phải thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, áp dụng kinh tế-xã hộivào sản xuất, học thêm nghề… Phải đa dạng ngành nghề, mỗi người góp một tay vào thì gia đình mới tăng thu nhập được.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 20.000ha lúa. Giai đoạn này sẽ nâng lên 60.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đã kết hợp các công ty tìm đầu ra cho nông sản, mới đây là Tập đoàn Lộc Trời...
Nói chung, tiêu chí thu nhập là vấn đề cả hệ thống chính trị quan tâm bởi liên quan đến đời sống người dân. Xây dựng NTM, mục đích chính là nâng cao đời sống, tinh thần người dân. Giờ sản xuất phải phát triển. hướng dẫn người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi, sạch.
Để đạt mục tiêu đề ra trong gian đoạn 2020-2025, các cấp, ngành, địa phương cần phải làm gì, thưa ông?
- Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình và chủ động tham gia cùng chính quyền trong xây dựng NTM. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các địa phương tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.