Bóc trần chiêu lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 26/10/2023 08:53 AM (GMT+7)
Đối tượng chụp ảnh màn hình điện thoại giao dịch chuyển khoản (Internet Banking) thành công, lưu sẵn trong máy. Khi muốn lừa đảo, đối tượng sửa nội dung bức ảnh, gửi hoặc trực tiếp cho người bán hàng xem.
Bình luận 0

Bị lừa vì … lòng tin!

Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú ý đến nhiều vụ lừa đảo xảy ra trên địa bàn.

Vụ đầu tiên được phát hiện vào ngày 15/10, một phụ nữ đến quầy hoa quả của chị T ở khu phố 5 (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) mua 285.000 đồng trái cây. Người phụ nữ nói không mang theo tiền mặt nên đề nghị chuyển khoản (Internet Banking) cho chị T 2 triệu đồng. Số tiền thừa nhờ chị T đưa tiền mặt để người phụ nữ đi chợ cho tiện. Chị T đồng ý.

Bóc trần chiêu lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả - Ảnh 1.

Người phụ nữ cho chủ cửa hàng bán trái cây ở thị trấn Gio Linh xem ảnh chụp màn hình chuyển khoản thành công. Nhưng thực tế, không có giao dịch nào mà chỉ là do đối tượng tự tạo ra để lừa đảo. Ảnh: CACC.

Sau khi lấy số tài khoản từ chị T, người phụ nữ thao tác trên điện thoại trong thời gian ngắn, sau đó đưa ảnh chụp màn hình đã chuyển khoản thành công 2 triệu đồng cho chị T xem.

Kiểm tra hoá đơn điện tử, thấy đúng số tài khoản, họ tên, số tiền đã chuyển khoản thành công cho mình, chị T tin tưởng đưa cho người phụ nữ 1.715.000 đồng tiền mặt (sau khi trừ tiền mua trái cây).

Sau 24h vẫn chưa nhận được tiền đổ về tài khoản của mình, chị T tìm đến ngân hàng thì được cho biết, không hề có giao dịch nào như trên.

Chỉ sau ít ngày, tại chợ thị xã Quảng Trị cũng xuất hiện một phụ nữ mua 580.000 đồng chả cá tại cửa hàng bà S. Người này đề nghị thanh toán bằng cách chuyển khoản 1.080.000 đồng cho bà S, để lấy thêm 500.000 đồng tiền mặt (1.080.000 đồng – 580.000 đồng tiền chả cá).

Người này còn xin số điện thoại kết bạn zalo với bà S với lý do lần sau đặt mua sỉ chả cá. Được tạo lòng tin, bà S đồng ý.

Sau khi kiểm tra ảnh chụp màn hình điện thoại của người phụ nữ, thấy đúng số tài khoản, tên, số tiền đã chuyển khoản thành công, bà S đưa cho người phụ nữ 500.000 đồng. Chờ mãi không thấy tiền về tài khoản của mình, bà S liên hệ với người phụ nữ kia thì đã bị chặn từ lúc nào không hay!.

Bóc trần chiêu lừa đảo chuyển khoản giả

Chị T, bà S là 2 trong số rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc tại sao đối tượng lừa đảo lại có ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển khoản thành công.

Để trả lời câu hỏi đó, một vụ án được TAND tỉnh Quảng Trị xét xử sẽ lý giải phần nào.

Bóc trần chiêu lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả - Ảnh 3.

Công an thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh đăng tin cảnh báo người dân trước thủ đoạn lừa đảo bằng chuyển khoản giả. Ảnh: CACC.

Theo hồ sơ vụ án, để có tiền tiêu xài cá nhân, Ngô Thị Hà (SN 1989, trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã lập 1 tài khoản facebook mang tên "Phạm Hoài". Hà dùng facebook này lên mạng tìm người bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua nhiều lần chuyển tiền bằng dịch vụ Internet Banking, Hà chụp ảnh hoá đơn điện tử giao dịch thành công, lưu vào điện thoại.

Cuối tháng 12/2021, lướt facebook, Hà thấy tài khoản "Đặng Duyên" (chị Đặng Thị Duyên, trú tại thành phố Hà Nội) đăng bán thịt trâu gác bếp. Sau khi trao đổi, Hà đặt mua 50kg. Tổng số tiền hàng và cước vận chuyển Hà phải thanh toán cho chị Duyên là 19.350.000 đồng, hình thức chuyển khoản sau khi kiểm tra hàng.

Có thông tin tài khoản ngân hàng của chị Duyên, Hà dùng điện thoại mở ảnh giao dịch chuyển khoản thành công đã chụp trước đó. Hà vào mục chỉnh sửa, xoá các dòng thông tin gồm số tài khoản thụ hưởng, tên ngân hàng, số tiền, thời gian giao dịch và nội dung chuyển khoản. Sau đó, Hà dùng chức năng chèn văn bản vào hình ảnh để điền các thông tin về tài khoản ngân hàng của chị Duyên. Nội dung chuyển khoản là trả tiền mua thịt.

Riêng mục thời gian Hà để trống. Đến lúc gần nhận hàng Hà mới chỉnh sửa rồi chụp màn hình, gửi qua facebook cho chị Duyên. Thấy hình ảnh đã chuyển khoản thành công, chị Duyên cho Hà nhận hàng. Thời gian sau, thấy không có tiền về tài khoản, chị Duyên báo công an và vụ án được sáng tỏ.

Bóc trần chiêu lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả - Ảnh 5.

Những chủ cửa hàng, công việc bận rộn thường bị các đối tượng lừa đảo chuyển khoản giả nhắm đến. Ảnh: CACC.

Cũng với thủ đoạn trên, Hà đã lừa của chị Hương bán 30kg mực khô với số tiền 22,8 triệu đồng. Khi chị Hương thắc mắc vì sao chưa nhận được tiền thì Hà nói rằng, có thể do ngày cuối tuần nên tiền đến chậm…

Hành vi của Hà phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 12 tháng tù.

Trước thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản giả, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi người khác chuyển khoản, cần kiểm tra tài khoản của mình đã nhận được tiền hay chưa, tránh bị lừa đảo như những trường hợp kể trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem