"Ma trận" giống lúa giả (Bài cuối): Cần luật riêng cho hạt giống

Quốc Hải (thực hiện) Thứ bảy, ngày 06/07/2019 14:15 PM (GMT+7)
Cần luật riêng cho ngành công nghiệp hạt giống, chứ không thể quản lý dựa theo luật chung về giống cây trồng - Đó là khẳng định của ông Lê Minh Chánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC).
Bình luận 0

img

 Ông Lê Minh Chánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC).

Thời gian qua, ngành chức năng các tỉnh thành, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục phát hiện các vụ buôn bán hạt giống lúa giả. Là đơn vị đầu ngành về sản xuất hạt giống, theo ông, đâu là tác hại lớn nhất của tình trạng này?

- Người sản xuất lúa là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên. Khi trồng lúa từ nguồn giống xác nhận, lúa trổ đồng loạt, nhanh, thoát (trung bình 7 ngày), hạt đóng khít, năng suất cao, chất lượng ổn định. Ngược lại, trồng giống lúa giả, giống trôi nổi trên thị trường, lúa sẽ trổ chậm, không đều, thời gian trổ kéo dài (khoảng 15 ngày), bị phân ly nhiều tầng (2 - 3 tầng), tỷ lệ đóng hạt trên bông thưa, dễ nhiễm bệnh, dẫn đến năng suất giảm. Sau khi thu hoạch, lúa bị lẫn, chất lượng không đảm bảo… nên thương lái không mua hoặc có mua thì sẽ ép giá. Chưa nói đến tỷ lệ nảy mầm của hạt giống này có đảm bảo hay không.

img

Nhân viên kỹ thuật đang kiểm định giống lúa trên đồng ruộng. Ảnh: Quốc Hải

Kế đến, việc trồng giống lúa giả, trôi nổi không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về hạt lúa cỏ. Sau khi thu hoạch, lúa cỏ tích tụ có thể tạo thành dịch. Ở Mỹ, lúa cỏ từng một thời là vấn nạn. Hơn hết, việc này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đe dọa thương hiệu gạo quốc gia. Tôi cho rằng, nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, sẽ làm xáo trộn “giá trị văn hóa đích thực của người trồng lúa”, trong mắt quốc tế, gạo Việt Nam luôn không đồng đều, giá thấp…

Nhưng có một thực tế, sản xuất lúa giống hiện nay cung không đủ cầu, do đó mới có đất cho việc sản xuất kinh doanh lúa giống giả?

- Tôi nghĩ đó chỉ là một nguyên nhân nhỏ. Thực tế như SSC hiện nay, lúc nào cũng sẵn sàng có hàng chục nghìn tấn lúa giống xác nhận để cung ứng ra thị trường. Hiện, quy mô 3 đơn vị sản xuất chế biến giống của SSC ở khu vực miền Tây là 50.000 - 70.000 tấn/năm và sắp tới sẽ nâng quy mô lên 100.000 tấn/năm.

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến tình trạng lúa giống giả vẫn hoành hành là do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Ngành công nghiệp hạt giống nói chung, giống lúa nói riêng hiện nay vẫn được quy định chung ở “giống cây trồng”. Đây cũng là kẽ hở để tình trạng lúa giống giả trở nên khó quản lý, để các đối tượng làm hạt giống giả ngang nhiên hoạt động, vi phạm bản quyền tác giả với những loại hạt giống mà các tác giả, các viện, trường, doanh nghiệp… đã dày công nghiên cứu.

Tóm lại, khi chưa có luật cụ thể, rõ ràng, nông dân chắc chắn vẫn phải đối mặt với tình trạng lúa giống giả, giống kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện quảng cáo nhiều loại giống lúa siêu nguyên chủng (SNC), nguyên chủng. Ông có thể nhận định về những loại giống này?

- Tôi cho rằng không có chuyện doanh nghiệp (DN) nào bán ra thị trường hạt giống SNC cả. Bởi vì để sản xuất được hạt giống SNC cần phải trải qua 4 vụ. Vụ thứ nhất, chúng ta phải gieo trồng ruộng vật liệu ban đầu (giống trong sản xuất, nguyên chủng, xác nhận...), sau đó chọn ra khoảng 800 - 1.000 cá thể. Từ 1.000 cá thể này, cán bộ kỹ thuật sẽ đưa vào phòng thí nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu theo mô tả giống để phân loại ra 150 - 200 dòng.

Các dòng này sẽ được gieo cấy tiếp ở vụ thứ 2 để chọn ra khoảng 50 - 100 dòng ưu việt nhất, từ 50 - 100 dòng này sẽ được gieo trồng thành các ô thửa khác nhau. Vụ thứ 3 để đánh giá hình thể trên đồng ruộng kết hợp với đo đếm các chỉ tiêu trong phòng thí nghiệm, tìm ra các dòng ưu tú nhất, có dạng hình tương đồng nhất (gọi là giống đầu dòng).

Từ những hạt giống đầu dòng tiếp tục gieo cấy một dảnh để sản xuất hạt SNC. Do lượng hạt giống SNC rất hiếm, nên các công ty chỉ có thể bán hạt giống cấp nguyên chủng và xác nhận.

Tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến tình trạng lúa giống giả vẫn hoành hành là do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Ngành công nghiệp hạt giống nói chung, giống lúa nói riêng hiện nay vẫn được quy định chung ở “giống cây trồng”.

Ông Lê Minh Chánh

SSC là một DN đầu ngành về sản xuất lúa giống, nhưng cũng chỉ bán ra thị trường loại giống lúa xác nhận. Đây là loại giống lúa có tỷ lệ hạt khác là 0,3%, tỷ lệ lúa cỏ dưới 10 hạt/kg. Và để sản xuất được giống lúa xác nhận này, cũng là cả một quy trình rất dài, tốn thời gian và công sức.

Thêm vào đó là thời gian lưu kho chỉ từ 6 - 8 tháng và được kiểm tra thường xuyên, nếu tỷ lệ nảy mầm giảm dưới 85%, chúng tôi không xuất ra thị trường nữa.

Để biết được DN có cung cấp giống chất lượng hay không, hệ thống quản lý chất lượng phải truy xuất ngược lại hồ sơ năng lực của DN rõ ràng, không thể quảng cáo mập mờ như vậy được.

Theo ông, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này, xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo?

- Để xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay, theo tôi, cần tiếp tục tập trung theo hướng sản xuất bền vững, tăng sử dụng các giống lúa chất lượng để nâng cao giá trị lúa gạo, trong đó, lưu ý về vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Muốn vậy, ngành lúa gạo phải đầu tư các cánh đồng mẫu lớn để tránh gạo bị pha tạp, chế biến và xuất khẩu theo chuỗi, giữ ổn định các thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường chính ngạch. Bởi chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới bền vững và mang về giá trị lớn cho lúa gạo Việt.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem