Đến tận bây giờ chẳng ai biết được gốc gác của trò chơi cờ gánh xuất phát từ thời điểm nào. Bà tôi nói rằng từ thủa thiếu thời những đứa trẻ để chỏm chăn trâu, chăn bò đã biết chơi trò chơi cờ gánh ấy. Có nhiều giả thiết khác nhau về sự hình thành của loại cờ đơn giản, độc đáo này nhưng tựu chung lại, nó là một nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây sáng tạo nên.
Khác với nhiều loại cờ khác như cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa,… trò chơi cờ gánh không cần tốn tiền để mua nên rất được những đứa trẻ ở các vùng quê nghèo say mê, ưa chuộng. Trong ký ức chúng tôi ngày ấy, có tiền mua que kem, cái kẹo đã là hạnh phúc thì lấy đâu tiền để sắm bộ cờ vua, cờ cá ngựa như trẻ con thành thị.
Hai bà cháu vui vầy bên bàn cờ gánh.
Chỉ cần lấy vỏ của 8 con nghêu, hoặc sìa, chép chép,… đã ăn xong, tách làm đôi sắp hai mặt sấp ngửa, mỗi bên 8 quân lên mặt bàn cờ vẽ bằng gạch hoặc phấn là những đứa trẻ chúng tôi đã có một bàn cờ gánh đơn giản nhưng đầy trí tuệ, phóng khoáng. Trò này đơn giản hơn các loại cờ khác khi chỉ cần đi thẳng hoặc chéo theo đường vẽ trên bàn cờ để tìm những kẽ hở, biến quân đối phương thành quân mình. Cách chơi cũng hiện lên tính cánh không thích vòng vo, dài dòng mà đi toạc vào vấn đề của người xứ Quảng.
Khi lọt vào giữa hai đầu “quân” hay gọi nôm na là “gánh” đối thủ, lập tức những quân cờ bị “gánh” sẽ bị thu phục và chuyển sang phe mình. Cứ như thế cho đến khi nào phía đối phương hết quân thì ván cờ kết thúc. Cũng có trường hợp, đối phương vẫn còn vài quân nhưng bị cô lập ở các góc “chết” không di chuyển được thì ván đấu cũng sẽ kết thúc. Trò này đòi hỏi sự quan sát nhạy bén và tính toán chuẩn xác để sớm đưa đối phương vào thế tàn cuộc.
Đơn giản là vậy nhưng trong bàn cờ gánh vẫn ẩn chứa nhiều nét thâm thúy, sâu xa gợi lên ước vọng và bản sắc của con người nơi đây. Trong các quân cờ trên một phía không hề có phân biệt hậu, vua, tướng, sĩ mà đều được di chuyển như nhau, bình đẳng như nhau. Nó toát lên mong ước về sự hòa hợp, bình đẳng trong cộng đồng con người, không có sự phân biệt thiệt hơn nên đây là một nét đặc sắc rất lớn trong cờ gánh.
Ngày nay, lũ trẻ thích chúi đầu vào máy tính, điện thoại hay những trò chơi mang tính hiện đại nhiều hơn, nên cũng đã thưa dần những bàn cờ gánh xôm tụ rôm rả. Nhưng ngay từ chính cái tên của mình, trò chơi cờ gánh đã in sâu trong ký ức, tái hiện nỗi nhọc nhằn của miền Trung lắm thiên tai, bão lũ. Chiếc đòn gánh oằn vai gánh hai bên như gánh hai đầu Bắc – Nam của đất nước, người miền Trung muôn đời luôn nhọc nhằn, chịu thương chịu khó.
Đi xuyên vào giữa các khe hở sẽ thu phục được đối thủ.
Một thế cờ cô lập quân đối phương.
Trường hợp thắng tối đa sẽ “gánh” được 6 quân của đối thủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.