Bước vào giảng đường đại học, nhiều sinh viên hào hứng chào đón một môi trường học tập mới, nơi bản thân được "cháy" hết mình và có thật nhiều sân chơi bổ ích.
Sau thời gian làm quen, sinh viên bắt đầu háo hức, "dòm ngó" trường mình, trường người ta sẽ tổ chức chào đón thế nào, có ca sĩ này, người nổi tiếng kia đến dự không?
Đặng Mỹ Quyên (quê Bình Định) - sinh viên một trường đại học ở quận Gò Vấp - bày tỏ: "Bạn em khoe trường tổ chức chương trình chào tân sinh viên có mời nhiều ca sĩ nổi tiếng đến hát. Em thấy thích thú lắm. Chưa bao giờ được gặp ca sĩ ở ngoài đời. Thế nhưng, trường em vẫn im lìm, còn không biết có hoạt động chào tân sinh viên hay không".
Nữ sinh chia sẻ và cho biết rất muốn được tham gia các chương trình giống trường bạn.
Còn Minh Vũ (quê Thái Bình) cho biết các bạn trẻ thường thích được tham gia những chương trình có người nổi tiếng, đây là cơ hội được giao lưu và "xả stress" sau những tiết học và thời gian thi cử vất vả.
Bản thân Vũ là sinh viên năm hai, đã tham gia một số hoạt động văn nghệ của trường nhưng nam sinh nhận thấy các bạn không hào hứng với tiết mục "cây nhà lá vườn".
Trong dịp khai giảng và chào đón tân sinh viên năm nay, nhiều trường đại học đã "nổ pháo" khi bật mí những tên tuổi ca sĩ đình đám sẽ giao lưu cùng tân sinh viên.
Lễ khai giảng của Trường Đại học FPT Hà Nội có sự góp mặt của hàng loạt ca sĩ Trúc Nhân, Mỹ Anh, The Flob Band.
Trúc Nhân cũng là khách mời đặc biệt tại ngày hội chào đón tân sinh viên 2023 của Trường Đại học Đông Á.
Sinh viên Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Hoa Sen háo hức khi trường tuyên bố sẽ mời ca sĩ, nghệ sĩ tới lễ khai giảng và đại nhạc hội chào tân sinh viên.
Tùy điều kiện để "lựa cơm gắp mắm"
Câu chuyện "Giá cát-xê ca sĩ hát khai giảng cả tỷ đồng, sinh viên các trường tị nạnh" là trăn trở của nhiều nhà trường.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) - cho biết nhà trường nào cũng mong muốn tạo không gian cho sinh viên được trải nghiệm... Tuy nhiên, vấn đề chi phí sẽ là trở ngại lớn.
"Trường công lập chi tiêu phải theo quy định của Nhà nước nên khó có thể mời được những ca sĩ nổi tiếng với mức chi phí cao. Nhà trường sẽ tận dụng các mối quan hệ để vừa giúp sinh viên vui chơi, vừa tiết kiệm chi phí. Rất cảm ơn vì nhiều ca sĩ đã sẵn lòng chia sẻ và tham gia chương trình của HUIT", ông Sơn cho hay.
Một cán bộ - phụ trách tổ chức các hoạt động chăm sóc sinh viên thuộc trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết, trải nghiệm tươi mới, trẻ trung ở đại học là điều nhiều sinh viên mong muốn, nhất là được gặp thần tượng của mình.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đây cũng chỉ là 1 hoạt động giúp tăng tính hài lòng, trải nghiệm của người học.
"Cốt lõi của một đại học phải là chất lượng nên nguồn lực cần được đầu tư cho giảng viên, cơ sở vật chất, hoạt động hỗ trợ sinh viên khó khăn... Nên việc đầu tư tài chính quá nhiều vào các hoạt động giải trí có thể dẫn đến nguồn lực tổng thể bị ảnh hưởng", vị này phân tích.
Theo ý kiến của giảng viên này, trường đại học nên mời những nhân vật có tác động xã hội tốt, làm tấm gương cho sinh viên từ khi các bạn bước vào trường - điều mà nhiều trường đại học lớn đang làm.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo phòng công tác học sinh sinh viên đại học công lập ở TPHCM nói vài năm nay, do không tăng học phí nên các hoạt động trải nghiệm cho sinh viên đều "co kéo" do kinh phí thấp.
"Ban đầu chúng tôi dự định tổ chức những chương trình đón tân sinh viên "hoành tráng" nhưng vì vấn đề kinh tế nên đã đổi sang miễn tiền nhập học, hỗ trợ các chi phí sinh hoạt cho sinh viên khó khăn, trao học bổng... Sinh viên có thể buồn nhưng đó là lựa chọn của nhà trường", vị này cho hay.
Bật mí với phóng viên Dân trí, chị Kim - làm việc trong lĩnh vực truyền thông giáo dục tại TPHCM - cho biết, để tổ chức một chương trình chào đón sinh viên sẽ tốn mức chi phí lớn.
Nếu mời ca sĩ nổi tiếng, chi phí có thể từ vài trăm đến cả tỷ đồng. Cụ thể, mức cát-xê của ca sĩ thường được chia ra làm hai dạng trường công và trường tư. Với trường công, giá cả thấp hơn, phụ thuộc vào tên tuổi của trường và quy mô sinh viên tham dự. Trường tư thường phải chịu toàn bộ chi phí như giá thị trường.
Ca sĩ có tên tuổi, nổi một chút giá không dưới 70 triệu đồng cho một chương trình, hạng A cỡ 100-120 triệu đồng, ca sĩ "hot thật hot" có khi tới 700 triệu đến cả tỷ đồng.
"Một chương trình của trường học mời 5-7 ca sĩ, có khi lên đến hơn 1 tỷ đồng. Có trường công thì vài trăm triệu đồng, chưa tính âm thanh ánh sáng, sân khấu... Lên xong chi phí các trường "hết hồn". Đa số phải điều chỉnh kế hoạch", chị Kim bật mí.
Nhiều bạn đọc đã để lại ý kiến trăn trở khi số tiền để chi ra cho hoạt động trải nghiệm này có quá lớn.
Bạn đọc Nguyễn Tiến Minh cho rằng tiền tổ chức các sự kiện như vậy để chi học bổng cho các sinh viên học giỏi, chi cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ tốt hơn.
"Ít nhà trường còn sắp xếp được chứ cả trăm triệu để thuê ca sỹ thì khó. Thay vào đó tăng lương, thưởng cho giáo viên để tăng thêm chất lượng giáo dục có phải tốt hơn rất nhiều hay không. Quá lãng phí, vô bổ", bạn đọc Hưng Phạm Ngọc viết.
Bạn đọc Phong Hoàng cho biết nhà trường có thể tổ chức chương trình "cây nhà lá vườn" với những tiết mục của sinh viên, giảng viên biểu diễn.
Rất nhiều ý kiến bình luận bày tỏ việc tổ chức hoạt động cho sinh viên vui là điều cần thiết nhưng trên tinh thần "liệu cơm gắp mắm" bởi các đại học ở Việt Nam chủ yếu "sống" bằng học phí.
Do đó, việc tổ chức chương trình phù hợp sẽ giúp sinh viên vừa được trải nghiệm và nhà trường có nguồn lực để đầu tư cho cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.