Mua bán cà phê trên sàn giao dịch có những rủi ro gì?
Mua bán cà phê trên sàn giao dịch có những rủi ro gì?
Ngọc Thạch
Thứ hai, ngày 04/11/2024 20:28 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, việc mở sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam rất tiềm năng, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro mà các doanh nghiệp, người dân cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Sáng 4/11, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Saigon Invest tổ chức hội thảo về phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết,thị trường cà phê Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như biến động giá, biến đổi khí hậu. Điều này đã gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Gia Lai trong chuỗi cung ứng cà phê, đồng thời cũng cho thấy cần hướng đến việc thành lập sàn giao dịch cà phê.
Ông Trần Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP giao dịch hàng hóa Saigon invest nhận định, tỉnh Gia Lai có đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp. Việc thành lập sàn giao dịch cà phê không chỉ tối ưu hóa các lợi thế tự nhiên này mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhưng theo các chuyên gia, việc mở sàn giao dịch tại Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên đi kèm nó là những rủi ro mà các doanh nghiệp, người dân cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư.
Cụ thể, thiếu khung pháp lý rõ ràng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, việc này khiến doanh nghiệp gặp khó khi tối ưu hóa hoạt động, lợi nhuận. Theo các chuyên gia, cần có khung pháp lý minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Về mặt thị trường, nếu thiếu khách hàng giao dịch, sàn giao dịch dễ gặp tình trạng thanh khoản thấp. Điều này gây lo ngại về sự ổn định của thị trường và có thể khiến giá trị tài sản giảm sút.
Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn invest, để đạt được hiệu quả và cạnh tranh trên thị trường, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở hạ tầng, hệ thống vận chuyển. Ngoài ra, cần có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có chuyên môn về giao dịch, quản lý.
Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích phát triển sàn giao dịch hàng hóa và nông sản, tạo điều kiện làm cầu nối cho các doanh nghiệp và nông dân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. "Việc thành lập và vận hành sàn giao dịch đòi hỏi nguồn vốn lớn, cùng với đó là kinh nghiệm quản lý chuyên sâu, đồng thời là sự hỗ trợ từ nhà nước" ông Bình nhận định.
Đánh giá về mức độ khả thi của sàn giao dịch hàng hóa, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic Gia Lai cho biết, việc thành lập sàn giao dịch này sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân và doanh nghiệp cùng với đó giúp cho địa phương mang lại nguồn thu từ việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa.
Theo ông Lâm, sàn giao dịch phải cho thấy được lợi ích khi người mua, người bán tham gia, từ đó mới thu hút được người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia vào giao dịch trên sàn.
"Cần rút ra bài học từ sàn giao dịch cà phê ở Đắk Lắk, khi đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, các doanh nghiệp cần nhìn nhận vấn đề từ các sàn giao dịch đã thất bại trước đó. Từ đó, chúng ta có những cái nhìn trực quan, nhằm tìm ra mô hình sàn giao dịch tốt, đem lại hiệu quả cho người dân", ông Lâm chia sẻ.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn Phó vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công Thương cho biết để đưa sản phẩm cà phê lên sàn giao dịch hàng hóa thì chất lượng hàng hóa phải đưa lên hàng đầu.
Ngoài ra, để tổ chức, vận hành được sàn giao dịch hàng hóa thì cần có sự chung tay kết nối từ nhiều lĩnh vực khác như tài chính, kho, logistics. Cùng với đó giúp tạo công ăn việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.