Mưa lớn, ngập nặng ở Thủ Đức, người dân sống trong tình trạng chạy lũ

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 15/10/2024 19:25 PM (GMT+7)
Sống lâu trong vùng thường xuyên chịu ngập do mưa lớn, nhiều hộ dân tại TP.Thủ Đức, TP.HCM đã dần thích nghi, họ chọn cảnh “sống chung” vì không còn cách nào khác.
Bình luận 0

Ngập lụt sau mưa lớn đã trở thành "bài ca quen thuộc" đối với người dân sinh sống tại khu vực chợ Thủ Đức và đường Dương Văn Cam cùng một số tuyến đường khác… Quen dần với cảnh ngập, cuộc sống của họ đã tự điều chỉnh để thích nghi.

Sống trong tình trạng chạy lũ

Ngày 15/10, ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại khu vực chợ Thủ Đức và đường Dương Văn Cam, hai nơi được xem là rốn ngập tại TP.Thủ Đức, nhìn thoáng qua, cuộc sống của người dân nơi đây có vẻ bình thường như bao khu phố khác, nhưng đằng sau những ngày nắng ráo, họ luôn sống trong tâm trạng sẵn sàng đối phó với những trận ngập lụt bất chợt.

Mưa lớn nhiều tuyến đường thường xuyên ngập nặng ở Thủ Đức, người dân nói chọn cảnh “sống chung - Ảnh 1.

Hình ảnh ngập lụt ở TP.Thủ Đức những ngày qua. Ảnh: Chinh Hoàng

Tại một căn nhà trên Dương Văn Cam, mọi vật dụng đều có một "chỗ đứng" cố định. Tủ lạnh, bàn ghế, những món đồ thân thuộc hàng ngày, giờ đây đều được "nâng cấp" bằng những chiếc đế bằng gạch và kệ kim loại. 

Mưa lớn nhiều tuyến đường thường xuyên ngập nặng ở Thủ Đức, người dân nói chọn cảnh “sống chung - Ảnh 2.

Người dân ở chợ Thủ Đức ứng phó với mưa lớn, ngập lụt. Ảnh: Chinh Hoàng

Bà Nguyễn Thị Thị Mai Hương, chủ nhân của căn nhà, chia sẻ: "Ở đây là vậy, chúng tôi ít khi được thảnh thơi. Dù hôm nay trời không mưa, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn bất chợt là nước có thể tràn vào nhà ngay lập tức. Đồ đạc luôn phải kê cao, trong nhà ai cũng sẵn tinh thần để di chuyển mọi thứ."

Không chỉ nhà bà Hương, nhiều gia đình trong khu vực này cũng sống chung với tâm lý lo ngại ngập lụt. Theo bà Hương, vào mùa mưa, nhà cửa luôn trong trạng thái lộn xộn vì đồ đạc phải dọn đi, dọn lại liên tục. Bà Hương đã sống ở đây nhiều năm, nâng nền nhà mấy lần nhưng vẫn không thoát được ngập. Cứ mỗi mùa mưa, gia đình bà Hương phải kê đồ lên cao, lo lắng không biết đợt mưa nào sẽ gây ngập.

Đối diện nhà bà Hương là hàng quán bán bún riêu của bà Bùi Thị Trinh, cũng chung cảnh tương tự. Vì buôn bán, nhà bà phải đầu tư hết cỡ nhằm tránh hư hỏng đồ. Để buôn bán thuận tiện, nền nhà bà được nâng cao hơn nửa mét, chiếc tủ và kệ để dụng cụ buôn bán được kê cao gần một mét.

Bà Trinh bày tỏ: "Chúng tôi đã quá quen với việc chạy mưa nên phải tính toán trước mọi thứ. Không ai muốn, nhưng không còn cách nào khác. Cứ mỗi lần mưa lớn là cả nhà phải hối hả, lo lắng, nếu không nâng cao thì đồ để bán hôm đó coi như bỏ…".

Tập thích nghi với ngập lụt

Ở một diễn biến có liên quan, chia sẻ với phóng viên người dân ở vùng hay bị ngập tại TP.Thủ Đức cho rằng, ngoài việc "chạy lũ," người dân còn phải thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày để thích nghi với điều kiện sống bất ổn. 

Ông Mai Mạnh Hùng, một hộ dân sống gần chợ Thủ Đức nói gia đình ông đã lắp đặt một hệ thống máy bơm nước để có thể bơm nước ra khỏi nhà mỗi khi nước dâng.

Mưa lớn nhiều tuyến đường thường xuyên ngập nặng ở Thủ Đức, người dân nói chọn cảnh “sống chung - Ảnh 3.

Ngập lụt khi mưa lớn ở gần chợ Thủ Đức. Ảnh: Chinh Hoàng

Ông Hùng thổ lộ: "Trước đây, nhà tôi không có máy bơm, nên cứ mưa là ngập, đồ đạc hư hỏng hết. Sau này, tôi mua máy bơm về, nhưng vẫn không an tâm lắm, vì mưa lớn thì máy bơm cũng bơm không kịp".

Không chỉ ông Hùng, nhiều gia đình khác cũng đã phải đầu tư vào các thiết bị chống ngập như máy bơm, bạt che nước, thậm chí lắp thêm cửa chống nước. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ là tạm thời.

Bà Tuyết - một dân cư khác nói thêm, những ngày qua mỗi khi mưa lớn, bà cứ phải sống trong sự đối phó. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng vẫn luôn có những rủi ro. Mỗi lần mưa là phải trực chiến, cả nhà không dám đi đâu xa vì sợ nước tràn vào nhà.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào ngày 10/10, ông Đỗ Tấn Long, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) đã lý giải về nguyên nhân ngập nước tại TP.HCM sau trận mưa lớn vào chiều 8/10. Trận mưa này kéo dài từ 13h55 đến 18h55, với cao điểm từ 14h30 đến 15h30 và lượng mưa lớn nhất đạt 116mm. Điều này đã khiến nhiều khu vực ở quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh bị ngập, kéo dài khoảng 30 phút sau khi mưa kết thúc.

Nguyên nhân chính dẫn đến ngập được xác định là do hệ thống cống thoát nước của TP.HCM đã được xây dựng từ trước năm 2015, với khả năng chịu đựng chỉ 85mm nước trong 3 giờ. Trong khi đó, cơn mưa ngày 8/10 chỉ diễn ra trong 1 giờ nhưng đã đạt tới 116mm, vượt quá khả năng chịu đựng của hệ thống. Do vậy, tình trạng ngập là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, nhiều khu vực ngập nước còn do địa hình trũng thấp và sự thu hẹp dòng chảy do các công trình nhà cửa ven kênh, rạch.

Riêng tại khu vực chợ Thủ Đức và đường Dương Văn Cam, trước đó, tại buổi họp báo ngày 16/5, ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, đã chia sẻ về nguyên nhân khiến khu vực chợ Thủ Đức bị ngập. Theo ông Quyết, dù hệ thống thoát nước tại đường Võ Văn Ngân mới được hoàn thành nhưng khu vực xung quanh chợ Thủ Đức có độ trũng và độ dốc chênh lệch 20m so với ngã tư Thủ Đức, gây ra dòng chảy xiết khi mưa lớn. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước tại khu vực này là rạch Cầu Ngang, có chiều rộng chỉ khoảng 5m, không đủ khả năng thoát nước trong các cơn mưa lớn. Ngoài ra, nhiều khu vực ngập nước còn do địa hình trũng thấp và sự thu hẹp dòng chảy do các công trình nhà cửa ven kênh, rạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem