Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5/2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 23,36 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn 1,149 tỷ kWh so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 được phê duyệt.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 108,758 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 109 triệu kWh so với kế hoạch trước đó.
Hồi quý I/2022, việc lo ngại thiếu điện đã xuất hiện khi nguồn cung than cho sản xuất điện sụt giảm mạnh, thiếu tới 1,4 triệu tấn than. Bộ Công Thương đã phải đàm phán với các đối tác Australia, Nam Phi để tăng nhập khẩu than cho sản xuất điện.
Song đến thời điểm này, theo Bộ Công Thương, việc cung ứng than cho sản xuất điện đang dần ổn định. Cụ thể: Từ tháng 4 đến nay, khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện đã được cải thiện.
Tính đến ngày 11/5, tổng lượng than cấp cho điện khoảng 15,48 triệu tấn, trong đó Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cấp khoảng 13,47 triệu tấn, đạt 36,56% kế hoạch tháng 5 đầu năm; Tổng công ty Đông Bắc cấp khoảng 2,01 triệu tấn, đạt 27,77% khối lượng hợp đồng.
Dự kiến, tổng khối lượng than cung cấp cho điện năm 2022 khoảng 43,9 triệu tấn, trong đó TKV khoảng 36,8 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cấp khoảng 7,1 triệu tấn.
Bộ Công Thương cho biết, TKV và Tổng công ty Than Đông Bắc đã tập trung sản xuất và cung cấp than cho sản xuất điện, đảm bảo đủ than cho vận hành của các nhà máy điện. Số lượng nhà máy có than dự trữ thấp giảm nhanh so với 4 tháng đầu năm, hiện tại chỉ còn nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và An Khánh 1 (không có hợp đồng mua than từ TKV và Tổng công ty Than Đông Bắc).
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện 7 tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 166,6 tỷ kWh.
Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 275,4 tỷ kWh, tăng 7,9% so với năm 2021, gần bằng kế hoạch của Bộ Công Thương.
Căn cứ vào tình hình cung cấp điện trong 5 tháng đầu năm và kế hoạch các tháng còn lại, Bộ Công Thương khẳng định việc cung cấp điện trong năm 2022 cơ bản sẽ được đảm bảo và không xảy ra tình trạng thiếu điện.
Để không xảy ra tình trạng thiếu điện, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy thủy điện tập trung tích nước các hồ thủy điện để chuẩn bị cho mùa khô năm 2022.
Đối với nhiệt điện, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị cung cấp than, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Đồng thời, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình đường dây truyền tải, đặc biệt là các đường dây 500 kV, 220 kV truyền tải bổ sung công suất cho khu vực miền Bắc...
Trước đó, trong báo cáo của EVN gửi Thủ tướng về khả năng cung ứng điện toàn quốc giai đoạn 2022 - 2025, EVN xác nhận việc đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể với miền Bắc, nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, nhưng các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hằng năm giai đoạn 2022 - 2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng nhu cầu điện.
Với khu vực miền Trung và miền Nam, EVN cho hay cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022 - 2025, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trường hợp nhu cầu điện tăng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Vì vậy, thiếu hụt điện có thể xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, khi cuối mùa khô công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm, trở nên khó khăn hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.