Nam Định: Giá lợn hơi "rớt cái bịch" nông dân nuôi lợn thấp thỏm không biết bao giờ giá lợn chạm "đáy"

T. Nam - M.Chiến Thứ ba, ngày 12/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Thời gian qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục lao dốc. Hiện giá lợn hơi đang ở ngưỡng 37.000 - 40.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với dịp đầu năm. Giá bán thấp, nhiều hộ chăn nuôi đối mặt với việc đóng cửa trang trại.
Bình luận 0

Càng nuôi lợn càng lỗ

Đó là lời tâm sự của những chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đã hơn 1 tháng nay, ông Nguyễn Văn Thọ (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) mất ăn, mất ngủ, đứng ngồi không yên vì giá lợn hơi liên tục lao dốc.

Nếu như những năm trước, chăn nuôi lợn suôn sẻ, được giá, gia đình ông Thọ thu về cả tỷ đồng, thì năm nay chăn nuôi lợn lại lâm vào cảnh bết bát, liên tục gặp khó. Từ đầu năm đến nay, giá lợn lên xuống thất thường, thời điểm này giá lợn hơi có chiều hướng giảm sâu như đẩy gia đình ông xuống vực thẳm.

Ông Thọ cho hay, trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trước đây, trại nhà ông luôn duy trì ổn định 200 con lợn bố mẹ và 500 con lợn thương phẩm.

Nam Định: Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng - Ảnh 1.

Giá lợn hơi giảm sâu, buộc ông Nguyễn Văn Thọ (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) phải giảm đàn lợn bố mẹ. Ảnh: Mai Chiến

Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, quán ăn phải đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch nên đầu ra eo hẹp, gia đình ông buộc phải giảm dần quy mô chăn nuôi. Hiện, trang trại chỉ còn 100 con lợn bố mẹ và hơn 300 lợn thương phẩm.

Hướng đôi mắt về phía đàn lợn đang kêu ủn ỉn, ông Thọ buồn bã nói, hơn 1 tháng trở về đây giá lợn hơi liên tục giảm mạnh. Thời điểm này, giá dao động từ 37.000 - 40.000 đồng/kg hơi, với giá bán thấp như hiện nay trung bình mỗi con lợn gia đình ông lỗ vốn khoảng 2 triệu đồng.

"Chi phí để nuôi 1 con lợn đạt 100kg sẽ hết khoảng 5,7 - 6 triệu đồng. Nếu bán với giá 37.000 đồng/kg hơi thì người chăn nuôi chắc chắn không có lãi. Quá lỗ vốn!", ông Thọ rầu rĩ.

Ông Thọ cho biết thêm, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, nên hàng ngày trang trại phải phun thuốc khử trùng, sát khuẩn thường xuyên, do đó chi phí chăn nuôi ngày một cõng lên.

Không những thế, giá thức ăn chăn nuôi (cám- PV), vacxin tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, sản xuất chăn nuôi của trang trại.

Ông Thọ bảo, chăn nuôi lợn đang ở giai đoạn khó khăn, vì vậy trang trại buộc phải chăn nuôi dè chừng, không dám mạo hiểm tái đàn. Thời gian tới, nếu tình hình chăn nuôi lợn không có dấu hiệu khởi sắc, gia đình ông sẽ dừng chăn nuôi, treo chuồng. Bởi, càng nuôi càng lỗ.

Ứ đọng lợn thương phẩm

Theo thống kê của ông Thọ, hiện tại trang trại đang ứ đọng khoảng 200 con lợn đã đến thời kì xuất bán, trung bình mỗi con đạt 100kg. Tuy nhiên, ông Thọ chưa có giải pháp tiêu thụ lứa lợn này sao cho hợp lý khi mà đầu ra không được dồi dào như trước, giá bán lao dốc mạnh.

"Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ lợn gặp nhiều khó khăn. Trang trại đang có khoảng 200 con lợn đã đạt trọng lượng để xuất bán, nhưng được xuất đi được", ông Thọ thổ lộ.

Nam Định: Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng - Ảnh 2.

Giá lợn hơi giảm sâu khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định lỗ nặng. Ảnh: Mai Chiến

Ba năm trở về đây, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) liên tục gặp khó khăn, có thời điểm gia đình anh rơi vào bế tắc.

Anh kể: Năm 2019, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đã xóa sạch toàn bộ trang trại chăn nuôi lợn của gia đình, thiệt hại vài tỉ đồng. Khi dịch bệnh tạm lắng, năm 2020 anh tiếp tục vay vốn để tái đàn.

Nhờ vậy, trang trại đi vào hoạt động dần ổn định với quy mô gần 1.000 con gồm lợn bố mẹ, lợn thương phẩm và lợn con theo mẹ. Thế nhưng, chăn nuôi không được như ý muốn.

Theo anh Sỹ, chỉ trong vòng 1 năm qua, giá thức ăn chăn nuôi (cám) đã tăng hơn 10 lần. Trong khi đó, giá lợn hơi liên tục biến động và giảm nhanh 2 tháng trở về đây đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của gia đình, khiến anh phải thốt lên rằng: "lại lỗ vốn rồi!".

"Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, còn giá lợn hơi thì giảm sâu khiến nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung và trang trại của gia đình tôi nói riêng lại lâm vào cảnh đầy rẫy khó khăn", anh Sỹ buồn bã nói.

Cũng giống như gia đình ông Thọ, thời điểm này trang trại của gia đình anh Sỹ đang ứ đọng khoảng 300 con lợn thương phẩm đã đến thời kì xuất bán.

Hiện nay, để giảm thiểu thiệt hại, trang trại đang giảm dần quy mô chăn nuôi, tạm dừng sản xuất con giống...

Theo ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định, hiện đàn lợn của toàn tỉnh ước đạt 638.389 con (tăng 956 con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 113.934 tấn (tăng 195 tấn) so với cùng kì năm 2020.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem