Nga đang kiếm nhiều hơn cả số tiền bỏ vào chiến sự Ukraine
Nga đang kiếm nhiều hơn cả số tiền bỏ vào chiến sự Ukraine
Lê Phương (Newsweek)
Thứ tư, ngày 15/06/2022 15:13 PM (GMT+7)
Một báo cáo mới được công bố cho thấy Điện Kremlin đang kiếm được rất nhiều tiền từ xuất khẩu dầu trong 100 ngày đầu tiên của chiến sự Ukraine. Số tiền này thậm chí còn lớn so với chi phí mà Nga phải bỏ ra cho cuộc xung đột.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức nghiên cứu độc lập đặt tại Phần Lan, cho biết họ nhận thấy rằng Nga đã thu về 97 tỷ USD trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột. Con số này đồng nghĩa với việc Nga đã kiếm được gần 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Riêng với dầu thô, Nga thu được 48 tỷ USD, trong khi đường ống dẫn khí đốt mang về cho nước này 25 tỷ USD. Các sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá cũng mang lại doanh thu hàng tỷ USD cho Tổng thống Vladimir Putin, theo CREA.
Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch còn nhiều hơn cả một con số ước tính được công bố vào tháng trước về chi phí Moscow bỏ ra cho chiến sự. Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy 628 tỷ rúp ngân sách liên bang đã được chi cho quốc phòng trong tháng 4, tương ứng khoảng 21 tỷ rúp (hơn 330 triệu USD) mỗi ngày, The Moscow Times đưa tin.
CREA lưu ý rằng Liên minh châu Âu (EU) chiếm đến 61% nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 100 ngày đầu tiên của chiến dịch, với tổng giá trị khoảng 59 tỷ USD.
Tuy nhiên, Nga không thể trông cậy vào tiền của EU trong thời gian tới. Vào cuối tháng 5/2022, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý với một gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu thô của Moscow vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích dự đoán rằng Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, có thể sẽ cố gắng bù đắp các lệnh trừng phạt mới nhất của châu Âu bằng cách tìm người mua thay thế hoặc cắt giảm sản lượng dầu để duy trì giá cao.
Trung Quốc có thể sẽ đóng một vai trò lớn trong việc lấp đầy khoảng trống mà EU để lại. Ngoài việc là đồng minh quan trọng của Moscow, Bắc Kinh còn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga trước xung đột. Sau khi chiến dịch bắt đầu, hoạt động mua dầu của Bắc Kinh càng tăng lên. Trung Quốc đã mua 14,5 triệu thùng dầu từ Nga từ tháng 3 đến tháng 5, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo một phân tích gần đây của CNBC của dữ liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.
CNBC cũng đưa tin Ấn Độ đã tăng cường mua dầu từ Nga trong những tháng gần đây. Tờ báo viết rằng dữ liệu của Kpler cho thấy Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng dầu từ Nga trong tháng 3, tăng lên 27 triệu thùng vào tháng 4 và 21 triệu vào tháng 5.
Tiến sĩ Maria Snegovaya, một chuyên gia về chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Virginia Tech, nói với Newsweek vào tuần trước rằng vì Tổng thống Putin "tiếp tục tăng giá dầu", Nga hiện thu được nhiều doanh thu từ xuất khẩu năng lượng hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái".
Snegovaya nói thêm rằng do nguồn thu từ năng lượng của mình, "Điện Kremlin có thể tiếp tục tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong một thời gian rất dài nữa".
Phía Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về các báo cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.