Ngân hàng "phớt lờ" dự án PPP đường bộ Tây Bắc, Tây Nguyên, Bộ trưởng KH&ĐT nói thẳng lý do
Dự án PPP đường bộ Tây Bắc, Tây Nguyên: Ngân hàng và doanh nghiệp "phớt lờ", Bộ trưởng KH&ĐT nói thẳng lý do
An Linh
Thứ năm, ngày 09/11/2023 14:57 PM (GMT+7)
Trước thực tế, các dự án PPP hạ tầng khó thu hút được các nhà đầu tư, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội thông qua việc cho phép vốn Nhà nước được tham gia dự án PPP với 70% như đề xuất của Chính phủ.
Đề nghị "nới" vốn Nhà nước chiếm 70% trong dự án PPP, thậm chí 80-85%
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến với 10 Điều với 5 nhóm chính sách, trong đó, đề xuất được nhiều đại biểu bàn luận là "nới" tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tăng 20% so với hiện hành.
Về vấn đề này, Đại biểu Lại Văn Hoàn (Đoàn Thái Bình) thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm đặc thù để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong đầu tư công trình giao thông đường bộ.
Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, ông Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam cho rằng, nếu quy định dự án triển khai ở TP. HCM hay Hà Nội không vượt quá 70% thì những dự án ở vùng sâu, vùng xa như: Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí có thể tăng tỉ lệ vốn Nhà nước lên 80 - 85%.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng bày tỏ mong Nghị quyết tăng tỷ lệ cho phép phần vốn Nhà nước lên 80%.
Theo ông Hiếu, đây là tỷ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, như vậy đây là dư địa để các địa phương đàm phán với các nhà đầu tư.
"Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có thể có những phương án riêng. Tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước cũng có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép", ông Hiếu nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án trong nghị quyết đều là những dự án chúng ta đã xác định, đã chuẩn bị thủ tục đầu tư, nguồn vốn, nếu Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế này thì sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP đường bộ, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay: Đây là vấn đề khó và nhạy cảm.
Ông Dũng cho rằng, trước đây Luật PPP không quy định, khi sửa luật thì đưa vào tỷ lệ 50%. Đến bây giờ, quy định này không còn phù hợp nữa.
Lãnh đạo ngành KH&ĐT nêu thực tế, có dự án đi qua địa phương lưu lượng xe thấp thì khả năng thu hồi vốn thấp, các nhà đầu tư không mặn mà.
"Ví dụ như đường lên Tây Bắc, Tây Nguyên, các dự án này đều không đủ lưu lượng xe để lên phương án tài chính đủ thu hồi vốn. Nhà đầu tư và ngân hàng không tham gia nên không khả thi. Thực tế này đòi hỏi tỷ lệ vốn Nhà nước tại dự án phải cao hơn", Bộ trưởng Dũng nói.
Còn các dự án đi qua đồng bằng, qua các khu đô thị thì lại cần vốn lớn cho giải phóng mặt bằng. "Đầu tiên chúng tôi đề nghị tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, nhưng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không tách mà nâng tỷ lệ vốn của Nhà nước lên. Bây giờ nâng lên bao nhiêu, rất cần tính toán kỹ, phải giữ được hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Theo giải trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhưng nhu cầu vận tải chưa cao nên cần sự tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn, đảm bảo khả thi khi kêu gọi đầu tư PPP.
Ngoài ra, một số dự án đi qua khu vực phải giải phóng mặt bằng nhiều, nếu áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.
Đề xuất khác được Chính phủ trình Quốc hội là giao thẩm quyền thực hiện đầu tư cao tốc, quốc lộ qua các địa phương cho UBND cấp tỉnh.
Theo Chính phủ, chính sách này "mở" hơn quy định hiện nay, khi địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, dùng vốn ngân sách đầu tư dự án cao tốc, quốc lộ.
Với dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, Chính phủ đề nghị Thủ tướng quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án, dùng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để thực hiện dự án.
Đây là điều không được cho phép theo quy định hiện hành. Việc Chính phủ kiến nghị nội dung này nhằm thống nhất thẩm quyền giải quyết, gỡ vướng với dự án đi qua nhiều địa phương.
Ngoài ra, với thực tế nhiều dự án giao thông gặp khó khăn về vật liệu xây dựng trong thi công, giá vật liệu bị đẩy lên cao, Chính phủ đề nghị có cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường.
"Nếu được thông qua, chính sách này sẽ rút ngắn thời gian cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá và hạn chế tăng chi phí xây dựng công trình", Tờ trình của Chính phủ cho biết.
Những cơ chế đặc thù được đề xuất, Chính phủ kiến nghị cho áp dụng tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ "đính kèm" danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.