Ngành hàng sắn Việt Nam chưa phát triển bền vững, liên kết giữa nông dân với nhà máy còn yếu

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 27/06/2024 11:50 AM (GMT+7)
Giá trị từ ngành hàng sắn Việt Nam cho thấy cây sắn không phải là cây xóa đói giảm nghèo như những hình dung trước đây, mà là cây làm giàu, có hiệu quả kinh tế cao Để ngành hàng sắn Việt Nam phát triển bền vững, vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh như thế tại Hội nghị Phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam (khoai mì) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 27/6/2024, tại tỉnh Tây Ninh.

Ngành hàng sắn còn nhiều tồn tại

Theo ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Năm 2023, tổng diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá 83.734 ha, diện tích nhiễm nặng 20.95ha. Bệnh khảm lá đang gây hại tại 22 tỉnh thành.

"Việc kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh là 2 nội dung quan trọng nhất hiện nay", ông Dương nói.

Hội nghị Phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam đến năm 2030 tổ chức tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hội nghị Phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam đến năm 2030 tổ chức tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vai trò của cây sắn đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học.

Sắn là một trong các cây trồng thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD.

Diện tích sắn cả nước dao động từ 520.000-550.000ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi. Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng sắn.

Tuy nhiên, hiện nay phát triển ngành hàng sắn còn thiếu bền vững, liên kết giữa nông dân trồng sắn với nhà máy chế biến còn yếu.

Ngành hàng sắn Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững. Tập trung nguyên liệu sắn tươi tại một nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngành hàng sắn Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững. Tập trung nguyên liệu sắn tươi tại một nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các HTX sản suất sắn còn nhiều hạn chế, bệnh khảm lá sắn bùng phát trên diện rộng, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp; ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn... tiếp tục là những vấn đề nan giải.

"Những vấn đề này cần được giải quyết một cách căn cơ nhằm phát triển ngành hàng sắn bền vững, hiệu quả", bà Hương cho biết.

Phát triển bền vững ngành hàng sắn Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung, sắn là một trong số các cây trồng có vai trò vô cùng quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Cây sắn đã không phải là cây xóa đói giảm nghèo như những hình dung trước đây mà đã phát triển thành một loại cây trồng đa giá trị, có hiệu quả kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì ổn định từ 1-1,4 tỷ USD trong những năm gần đây.

Cây sắn đã không phải là cây xóa đói giảm nghèo như những hình dung trước đây. Lãnh đạo Sở NNPTNT Tây Ninh giới thiệu vùng trồng sắn sạch bệnh tại địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cây sắn đã không phải là cây xóa đói giảm nghèo như những hình dung trước đây. Lãnh đạo Sở NNPTNT Tây Ninh giới thiệu vùng trồng sắn sạch bệnh tại địa phương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Thứ trưởng, dư địa phát triển diện tích sắn không còn nhiều. Một trong những vấn đề cần giải quyết là phải nâng cao năng suất sắn trên cùng một đơn vị diện tích.

Thêm vào đó, hàng năm, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu gần 5 triệu tấn sắn các loại cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất sắn.

Vì thế, việc giảm lượng nhập khẩu, tăng sử dụng nguyên liệu nội địa cũng là một dư địa lớn để phát triển sản xuất sắn tại Việt Nam.

Để phát triển ngành hàng sắn, xứng tầm vị thế và định vị rõ ràng vị trí của cây sắn, lần đầu tiên Bộ NNPTNT đã ban hành Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án đã xác định các định hướng phát triển ngành hàng sắn đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp toàn diện để triển khai. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khảo sát vùng trồng sắn sạch bệnh ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đề án đã xác định các định hướng phát triển ngành hàng sắn đến năm 2030 và đưa ra các giải pháp toàn diện để triển khai. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khảo sát vùng trồng sắn sạch bệnh ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các mục tiêu đáng lưu ý trong đề án là duy trì diện tích trồng sắn 480.000-510.000ha. Trong đó, diện tích sử dụng giống đảm bảo chất lượng chiếm 40-50%. Sản lượng củ tươi đạt 11,5-12,5 triệu tấn; tổng công suất các nhà máy chế biến đạt 12-14,2 triệu tấn củ tươi/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD/năm.

"Quan điểm của đề án là không gia tăng diện tích mà tập trung vào cải thiện năng suất, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cây sắn, mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức sản xuất bền vững", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem