Loài nhện đỏ xuất hiện, nhiều diện tích cây sắn của nông dân Gia Lai bỗng nhiên úa vàng rồi chết

Thứ bảy, ngày 23/09/2023 09:06 AM (GMT+7)
Tại khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai, nhiều diện tích mì (sắn) của người dân bị nhện đỏ gây hại. Ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng-chống nhằm ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng.
Bình luận 0

Nông dân lo lắng trước dịch bệnh do nhện đỏ gây ra cho cây mì (sắn)

Gia đình ông Ksor Tuýt (buôn Biah B, xã Ia Tul, huyện Ia Pa) có 6 sào mì (sắn) bị nhện đỏ gây hại, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất. 

Ông Tuýt cho hay: Thấy cây mì có hiện tượng vàng lá, ban đầu, ông nghĩ là do mưa nhiều nên cây bị úng nước. Nhưng sau đó thấy cây mì chết từng chùm, nhổ lên kiểm tra mới phát hiện bị nhện đỏ gây hại. Mặc dù đã phun hết 4 triệu đồng tiền thuốc đặc trị nhện đỏ nhưng cả 6 sào mì đều bị nhiễm bệnh, lá chuyển màu vàng, khô và rụng dần, nhiều cây bị chết. 

“Vụ mì này, gia đình chỉ mong hòa vốn. Lo lắng hơn là cây mì đã bị nhiễm bệnh nên khó để tái sản xuất vụ sau”-ông Tuýt nói.

Nhìn 2 ha mì bị cháy lá, khô đọt, bà Phạm Thị Ngọc Oanh (thôn An Bình, xã Uar, huyện Krông Pa) không khỏi lo lắng. Do nhện đỏ xuất hiện dưới mặt lá nên khó phát hiện dẫn đến bệnh lây lan trên diện rộng. Những ngày gần đây, cùng với việc phun thuốc đặc trị, gia đình bà phun nước tưới liên tục để diệt nhện đỏ. Tuy nhiên, những cây mà lá đã úa vàng thì không thể cứu vãn. 

Bà Oanh rầu rĩ cho biết: “Cây mì đang thời kỳ tạo củ mà phải dồn chất dinh dưỡng để đâm chồi lại thì năng suất chắc chắn sụt giảm”.

Loài nhện đỏ xuất hiện, nhiều diện tích cây sắn của nông dân Gia Lai bỗng nhiên úa vàng rồi chết - Ảnh 1.

Cán bộ xã Ia Tul kiểm tra và hướng dẫn bà con phòng trừ bệnh nhện đỏ gây hại trên cây mì. Ảnh: Vũ Chi.

Cách đó không xa, 4 sào mì giống HN5 của gia đình bà Trần Thị Lan (thôn An Bình) cũng bị nhện đỏ gây hại. Bà Lan chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên gia đình đầu tư trồng giống mì HN5 để nhân giống. Sau 6 tháng, cây mì phát triển rất tốt, cao khoảng 1,2 m. Tuy không bị khảm lá nhưng toàn bộ diện tích lại bị nhện đỏ phá hoại, hầu hết lá gốc bị úa vàng, khô và rụng. Sau 4 lượt phun thuốc, qua kiểm tra thì thấy nhện đỏ đã chết. Bên cạnh việc giảm năng suất, điều gia đình lo lắng nhất là chất lượng giống vụ tiếp theo không được đảm bảo”.

Tích cực phòng-chống bệnh lây lan

Khu vực Đông Nam tỉnh hiện có trên 35.000 ha mì. Nắng nóng kéo dài trong tháng 8 đã làm nhiều diện tích mì tại các huyện: Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị nhện đỏ gây hại. Theo đó, thị xã Ayun Pa có gần 70 ha mì bị nhện đỏ gây hại, huyện Ia Pa có 778 ha, huyện Krông Pa rải rác trên toàn bộ 22.700 ha. Riêng huyện Phú Thiện chưa phát hiện bệnh trên cây mì. 

Ngay sau khi phát hiện nhện đỏ gây hại trên cây mì, ngành chức năng đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, rà soát, xác định mức độ gây hại và giai đoạn sinh trưởng của cây mì để khoanh vùng, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ, không để bệnh lây lan trên diện rộng.

Niên vụ 2023-2024, huyện Krông Pa trồng 150 ha mì giống HN3, HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá. Tuy nhiên, trong điều kiện nắng nóng kéo dài, không chỉ các giống mì cũ mà giống mới cũng bị nhện đỏ gây hại.

 Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Trước tình hình nhện đỏ gây hại trên diện rộng, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ; khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, nếu vườn mì lân cận bị bệnh thì phải phun thuốc để phòng bệnh lây lan. 

Khi trời có mưa rào, nhện đỏ sẽ dừng phát triển và chết. Vì vậy, nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân cần phun nước tưới liên tục theo chu kỳ tạo môi trường ẩm ướt khiến nhện đỏ tự chết, trứng và ấu trùng của nhện đỏ cũng sẽ bị tiêu diệt triệt để.

Còn ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa thì thông tin: Qua kiểm tra, nhện đỏ tập trung dưới mặt lá, chích hút biểu bì khiến lá mất diệp lục dẫn đến vàng khô, rụng dần từ gốc lên ngọn và cây có thể bị chết. Tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh, đặc biệt tại các diện tích không chủ động được nguồn nước tưới. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân tiêu hủy cây bị nhiễm bệnh bằng cách bỏ vào bao mang đốt.

Bên cạnh đó, cần dọn vệ sinh đồng ruộng, phát quang cỏ dại không cho nhện đỏ có môi trường trú ngụ. Nếu bệnh đã lây lan cần phun bằng các loại thuốc đặc trị như: dầu khoáng, Hexythiazox (Nissorun 5 EC), Acrinathrin (Rufast 3 EC)… và phun 2-3 đợt phải đổi loại thuốc để nâng cao hiệu quả.


Vũ Chi (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem