cảnh báo đường sắt Cát Linh Hà Đông phòng ngừa rủi ro mất an toàn
"Ngay từ khi ký hợp đồng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không có đánh giá an toàn hệ thống"
Thế Anh
Thứ năm, ngày 10/06/2021 17:12 PM (GMT+7)
Bộ GTVT thừa nhận, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông được sản xuất theo tiêu chuẩn của Trung Quốc dẫn đến Tổng thầu EPC Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không thể cung cấp được các hồ sơ tài liệu liên quan theo yêu cầu của Tư vấn ACT.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận an toàn
Trong báo cáo bổ sung công tác nghiệm thu hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Bộ GTVT gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Tuy nhiên, Tư vấn ACT cũng chỉ ra 16 khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn Châu Âu.
Theo đó, Tư vấn ACT đã đánh giá 263 nội dung chuyên ngành công trình; 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị. Đồng thời, Tư vấn ACT chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn Châu Âu cần phải khắc phục tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Báo cáo của Bộ GTVT thừa nhận, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông được sản xuất theo tiêu chuẩn của Trung Quốc dẫn đến Tổng thầu EPC Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không thể cung cấp được các hồ sơ tài liệu liên quan theo yêu cầu của Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Bộ GTVT cho rằng, những khuyến cáo đều mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đủ điều kiện vận hành thương mại.
Liên quan tới vấn đề này trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Ngay từ đầu ký hợp đồng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì theo Luật đường sắt và quy chuẩn của Trung Quốc không có đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến 2017, công trình xây dựng xong và lắp đặt thiết bị để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác thì lúc này Luật đường sắt lại có quy định đánh giá an toàn, đặc biệt đây lại là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam".
"Thời điểm đó, để đánh giá an toàn dự án, chúng ta chưa có kinh nghiệm, nên phải thuê Tư vấn đánh giá độc lập để khách quan, minh bạch. Sau đó, chúng ta đã tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn Tư vấn đánh giá an toàn và lựa chọn được đơn vị Tư vấn ACT (Pháp) trúng thầu", đại diện Bộ GTVT cho hay.
Theo đại diện Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, còn Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn Châu Âu nên mới xảy ra độ vênh nhau giữa tiêu chuẩn. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 - 2011, trong khi một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay.
Hiện nay, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống vào ngày 29/4/2021, trước khi cấp chứng nhận này, Tư vấn ACT đã phải báo cáo Ủy ban ISA (Ủy ban các tư vấn đánh giá an toàn độc lập mà Tư vấn ACT là thành viên) xem xét ra quyết định cuối cùng về việc vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Bên cạnh đó, chứng nhận an toàn còn có 16 khuyến cáo đây đều là những khuyến cáo khắc phục được và tất cả những khuyến cáo của Tư vấn ACT đều đã được Bộ GTVT cáo cáo giải trình tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
Cảnh báo rủi ro đường sắt Cát Linh - Hà Đông khắc phục được
Đánh giá về các khuyến cáo của Tư vấn ACT, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia giao thông cho rằng: "Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành đưa vào vận hành, khai khác tại Việt Nam. Nếu không kiểm tra, giám sát và vận hành thật chặt chẽ, kỹ lưỡng và chính xác thì khi có sự cố sẽ để lại thiệt hại rất lớn".
Theo TS. Đức, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ GTVT nói nhiều rồi! Đây là dự án ngay từ đầu không có hạng mục an toàn, mãi sau này chúng ta mới yêu cầu phía Tổng thầu Trung Quốc bổ sung thêm hạng mục này. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có công nghệ, kinh nghiệm để đánh giá về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cho nên mới phải đi thuê đơn vị Tư vấn độc đánh giá cho khách quan.
"Tôi được biết, đến nay dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được Tư vấn ACT cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Đây là chứng nhận về mức độ an toàn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nằm trong giới hạn cho phép, còn đối với 16 khuyến cáo mà ACT đưa ra đây đều là những khuyến cáo để Tổng thầu và Chủ đầu tư khắc phục được", TS. Đức chia sẻ.
Nói thêm về các cảnh báo của ACT đưa ra, TS. Đức nhận định, với 16 khuyến cáo mà Tư vấn ACT đưa ra đều mang tính phòng ngừa rủi ro, chúng ta nên hiểu tương tự như chúng ta đi mua 1 chiếc xe được nhân viên tư vấn nên lắp thêm phụ kiện để xe đẹp hơn, hoàn hảo hơn, an toàn hơn. Do đó, những khuyến cáo này vẫn chấp nhận được nên Tư vấn ACT mới cấp chứng nhận an toàn.
Các khuyến cáo Tư vấn ACT chỉ ra chưa đạt tiêu chuẩn Châu Âu được Bộ GTVT báo cáo gồm:
Phát hiện số 1 về tiêu chuẩn an toàn, ACT áp dụng tiêu chuẩn Châu Âu, trong khi dự án thực hiện theo tiêu chuẩn của Trung Quốc chỉ yêu cầu đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống tín hiệu.
Phát hiện số 2 là cung cấp các tài liệu theo quy định, Tổng thầu EPC không cung cấp tài liệu tương ứng, không hợp tác, tiêu chuẩn cho các thiết bị/hệ thống phụ không được chỉ ra đầy đủ và không có bằng chứng về sự tuân thủ.
Phát hiện số 3, cung cấp các tài liệu các trường hợp an toàn, việc cung cấp toàn bộ hồ sơ để đánh giá toàn bộ dự án đã không thực hiện được; Phát hiện số 4 về điều kiện cho người giảm khả năng vận động trong các nhà ga; Phát hiện số 5 về thiết bị chống ngủ gật trên tàu.
Phát hiện số 6 về rủi ro/nguy cơ: Do không có tài liệu theo hợp đồng, đặc biệt là phân tích rủi ro, nhật ký nguy hiểm và kế hoạch quản lý mối nguy phải bao gồm các mối nguy đã được giải quyết hoặc kiểm soát đến mức có thể chấp nhận được trước khi vận hành thương mại; Chưa cung cấp tài liệu theo phương pháp luận đánh giá.
Phát hiện số 7 về tương thích điện từ, Tư vấn ACT chưa nhận được tài liệu về khả năng tương thích điện từ, đây là cảnh báo về rủi ro hồ sơ chứ không phải rủi ro an toàn; Phát hiện số 8 về sự sẵn sàng vận hành; Phát hiện số 9 về HVAC điều hoà, thông gió đoàn tàu loại B1 Không có nắp riêng đóng cửa thông gió.
Phát hiện số 10 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông có phương tiện chữa cháy, nhưng không có thiết bị cảnh báo cháy tự.
Phát hiện số 11 về báo cáo phân tích an toàn đối với hệ thống con đầu máy toa xe, Tư vấn ACT nhận được báo cáo bản tóm tắt về phân tích an toàn chưa tương ứng với toa xe tuyến 2a Hà Nội, nên chưa đủ cơ sở đánh giá. Thực chất đây là rủi ro về thiếu hồ sơ chứ không phải rủi ro về an toàn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Phát hiện số 12 về phát hiện chướng ngại vật cửa, cửa toa tàu Cát Linh – Hà Đông phát hiện được chướng ngại vật có kích thước lớn hơn 30x60mm; Phát hiện số 13 hệ thống án toàn cháy nổ trong nhà ga; Phát hiện số 14 là tuân thủ các tiêu chuẩn; Phát hiện số 16 về quan ngại an toàn cầu cạn.
Thực chất trong số các cảnh báo nêu trên thì có cảnh báo được Tư vấn ACT cảnh báo về rủi ro hồ sơ chứ không phải rủi ro về an toàn hệ thống, và một số cảnh báo khi khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông Bộ GTVT sẽ bố trí nhân viên an toàn để kiểm soát và hỗ trợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.