Nghi án 4 trai làng bị phạt tù oan: Có dấu hiệu vi phạm tố tụng

An Sơn (thực hiện) Thứ bảy, ngày 12/12/2015 06:20 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN, luật sư Huỳnh Phương Nam (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc truy tố 4 thanh niên ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) về tội “cướp giật tài sản” đã bộc lộ nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự khách quan và bản chất của vụ án.
Bình luận 0

Luật sư Huỳnh Phương Nam nói: Là một trong những người bào chữa cho các bị cáo, tôi thấy cả hai phiên toà đều xét xử không khách quan, cố tình bỏ qua các tình tiết chứng minh cho sự vô tội của các bị cáo mà chỉ tập trung vào các tình tiết buộc tội, vi phạm Điều 10, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Phú Vang không đưa ra bất cứ sự phân tích, lập luận nào để chứng minh các bị cáo có thực hiện hành vi cướp tài sản hay không mà kết luận luôn là các bị cáo đã thực hiện hành vi đó. Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã không tranh luận với các luật sư bào chữa, vi phạm nguyên tắc tranh tụng công khai được quy định tại Điều 218 BLTTHS cũng như hướng dẫn của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về nhiệm vụ của kiểm sát viên tham gia tố tụng.

Chứng cứ lỏng lẻo

Thưa ông, đánh giá của ông về chứng cứ để buộc tội 4 thanh niên?

img

Người thân các thanh niên gào khóc kêu oan sau khi tòa tuyên án. Ảnh: An Sơn

- Theo lời khai của bị hại Lê Thị Hoa, người cướp tài sản của bà là 1 thanh niên đi xe máy cao khoảng 1,60m và mặc áo sơ mi nền trắng sọc đứng đen... Vậy mà các cơ quan tố tụng huyện Phú Vang và TAND tỉnh Thừa Thiên- Huế lại khẳng định thủ phạm là 4 thanh niên đi 2 xe máy. Áo sơ mi màu trắng kẻ chỉ xanh đỏ của anh Dương Quang Việt được dùng làm vật chứng- trên thực tế nếu nhìn nhanh, nhìn xa hoặc lúc trời tối chỉ thấy màu sáng trắng. Mặt khác, theo hồ sơ, người trực tiếp ra tay giật túi xách của bà Hoa là anh Nguyễn Văn Hùng, nên lẽ ra bà Hoa phải nhìn thấy màu áo của anh Hùng chứ không phải màu áo của anh Việt. Như vậy, lời khai của bị hại hoàn toàn mâu thuẫn với kết luận điều tra và sau này là các bản án sơ thẩm, phúc thẩm.

Chiếc dép của tên cướp đánh rơi mà con bà Hoa nhặt được có phải là bằng chứng ngoại phạm của các bị cáo? 

- Trong vụ án này, cơ quan công an đã thu giữ chiếc dép của tên cướp đánh rơi mà con bà Hoa nhặt được nhưng lúc đầu bỏ sót, không đưa vào để điều tra, xác minh. Chỉ đến khi TAND huyện Phú Vang trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì cơ quan điều tra mới thu thập, xác minh. Nhưng rồi cơ quan điều tra không chứng minh được dép đó là của bị can nào vì không vừa chân bất cứ một ai trong số 4 thanh niên. Đây là bằng chứng ngoại phạm quan trọng nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét.

Lời khai mâu thuẫn vẫn tuyên án

Tại tòa, 3 trong số 4 bị cáo khai do bị điều tra viên bức cung nên có những lúc phải nhận tội. Theo ông, lời khai của họ có cơ sở hay không?

- Trong hồ sơ vụ án, ngoài những lần không nhận tội, anh Nguyễn Văn Hùng có lúc khai đã ngồi sau xe do anh Nguyễn Thành Huy lái và đưa tay trái giật túi xách để trên giỏ trước xe đạp của bà Hoa, lúc khác lại khai dùng tay phải để giật. Hùng là người thành niên, có trình độ học vấn nhất định, không thể có việc xác định nhầm từ tay nọ sang tay kia. Vì không thực hiện hành vi nên Hùng không thể mô tả chính xác.

"Điều kỳ lạ là ở mặt sau của các bản khai mà Huy không thừa nhận hành vi cướp giật thì không có chữ ký của điều tra viên. Trong khi đó, các bản khai Huy nhận tội lại có chữ ký của điều tra viên. Khoản 2 , Điều 132 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó”.   Lý do gì mà điều tra viên không ký xác nhận các bản khai không nhận tội mà chỉ ký vào bản khai nhận tội?”.
Luật sư Huỳnh Phương Nam

Tương tự Hùng, lúc đầu, tại trụ sở công an xã, anh Nguyễn Thành Huy khai tham gia cướp, nhưng đến khi bị khởi tố thì lại không nhận tội.

Từ đầu cho đến phiên toà phúc thẩm, anh Dương Quang Việt một mực kêu oan, không thừa nhận hành vi. Lời khai của Việt hoàn toàn phù hợp với lời khai của các bị cáo khác khi không nhận tội. Đây là sự phù hợp mang tính gỡ tội cho các bị cáo nhưng không hiểu vì sao cơ quan tố tụng lại không xem xét.

Khoản 1, Điều 138 BLTTHS quy định:“Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì điều tra viên tiến hành đối chất”. Trong vụ án này, lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhau, đặc biệt là với bị cáo Dương Quang Việt, nhưng việc đối chất đã không được thực hiện. Đây là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án và bất lợi cho các bị cáo, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.

Về thời gian để 4 thanh niên có thể phạm tội, ông có thấy điều gì bất thường không?

- Hồ sơ vụ án xác định: Khoảng 22 giờ 50 phút các bị cáo đi chơi về đến cầu Phú Khê nhìn thấy bị hại Hoa dắt xe đạp bên kia đường. Bà Hoa đứng nói chuyện với bà Mừng khoảng 5 phút, đi tiếp rồi sau đó bị cướp. Các bị cáo bỏ chạy, chia tiền rồi đến quán cháo của bà Khanh lúc 23 giờ 5 phút. Như vậy, các bị cáo có 10 phút để thực hiện hành vi bám theo, cướp giật, chia tiền và chạy đến quán cháo. Quãng đường bà Hoa đi dài khoảng 400m, bà Hoa chủ yếu đi bộ dắt xe đạp nên đã mất khoảng 7 phút. Từ nhà bà Hoa đến quán cháo bà Khanh phải chạy theo đường vòng khoảng 3km, qua 5 ngã ba mới ra đến tỉnh lộ 2 rồi qua cầu đến quán cháo. Trong điều kiện ban đêm, các bị cáo không thể nào chạy nhanh tới mức có mặt tại quán cháo lúc 23 giờ 5 phút được, điều này là phi lý.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem