bé gái 3 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội: Cục trẻ em lên tiếng
Nghi án bé gái 3 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội: "Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an điều tra"
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 20/01/2022 11:02 AM (GMT+7)
Đây là thông tin đã được ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết khi trao đổi với phóng viên Dân Việt liên quan đến bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành ở Hà Nội đang nguy kịch.
Bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành nguy kịch: Cần lên tiếng sớm khi nghi ngờ
Sáng 20/1, trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong giai đoạn mới đang đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến phức tạp. Các vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng ngày càng nhiều hơn, chủ yếu vẫn liên quan tới người thân, người quen.
Về vụ việc cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) nghi bị bạo hành có tới 9 chiếc đinh găm trong đầu, ông Nam cho biết Cục vẫn đang phối hợp cùng với cơ quan công an tiến hành điều tra, xử lý.
"Thông tin chính thức phải đợi kết quả từ cơ quan công an. Chúng tôi luôn theo sát để có phối hợp trong bảo vệ quyền lợi của các em", ông Nam nói.
Ông Nam kêu gọi, thời đại công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện, nếu chứng kiến những trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, người dân cần lên tiếng tố cáo đến cơ quan chức năng để hạn chế, ngăn chặn các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ nhỏ.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nêu quan điểm, dư luận từng chứng kiến nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thương tâm như vụ bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị "mẹ kế" đánh đập đến tử vong bé 3 tuổi mới xảy ra không lâu.
Thiết nghĩ, người làm cha/mẹ dù có đổ vỡ hôn nhân, sau ly hôn mà bị ngăn cấm gặp con cũng không nên lo ngại, im lặng chấp nhận mà hãy tìm sự hỗ trợ như phản ánh tới chính quyền sở tại, tòa án hay gọi điện tới tổng đài 111. Trong trường hợp không được gặp con, cha/mẹ phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.
"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật. Những hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp, bất luận là chuyện bố mẹ dạy con hay thầy cô dạy học trò. Thực tế, nhiều người im lặng, không thông tin, không tố cáo những hành vi vi phạm vì lo sợ bị ảnh hưởng, liên lụy nhưng lên tiếng phản ánh những biểu hiện bất thường với trẻ em cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại…", Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ về công tác chăm sóc, bảo vệ trong giai đoạn mới, ông Nam cũng cho biết, giai đoạn tới mục tiêu chính, trọng tâm vẫn là tăng cường mạng lưới cộng tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nhiều cấp độ. Từ đó phòng ngừa, phát hiện sớm các dấu hiệu, hành vi bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Kiện toàn mạng lưới chăm sóc trẻ em ở phường, xã
Mới đây vào ngày 12/1, trong Hội nghị tổng kết của Bộ LĐTBXH Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của ngành. Một trong những hạn chế đó chính là công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em vì vẫn còn nhiều vụ bạo hành xâm hại trẻ em vô cùng nghiêm trọng.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói về sự việc bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành đến chết để nhắc các tỉnh thành phải nghiêm túc thiết lập mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em đến cấp xã, phường. "Năm nay, việc này càng quan trọng vì dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng tiếc là sự việc cháu bé 8 tuổi ở TP. HCM tử vong chưa qua lâu thì chiều tối ngày 18/1, bé gái 3 tuổi Đỗ Ngọc A (Hoài Đức, Hà Nội) được người nhà đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy kịch vì có nhiều đinh găm trong đầu. Ông nội của cháu bé là Đỗ Hữu Chức đã gọi điện cầu cứu tới đường dây chăm sóc bảo vệ trẻ em 111 vì nghi cháu bị bạo hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.