Ngôi nhà cổ, nơi Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" tại làng lụa nổi tiếng nhất Hà Nội
Thăm ngôi nhà cổ, nơi Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" tại làng lụa nổi tiếng nhất Hà Nội
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", hiệu triệu đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Hiện nay, ngôi nhà trở thành di tích quốc gia 'Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946.
Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng về nghề truyền thống dệt tơ lụa, mà còn là một miền quê giàu có về di tích lịch sử, truyền thống cách mạng. Ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) là nơi Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19/12/1946.
Chủ nhân của ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Dương làm nghề dệt lụa, nhà xây hai tầng năm 1941-1942, được giữ gìn nguyên trạng làm khu vực chính Nhà lưu niệm Bác Hồ. Bên phải và bên trái ngôi nhà chính là hai dãy nhà ngang, mỗi dãy 3 gian, trước đây đặt khung cửi, đồ dùng của gia đình; dãy bên phải là phòng khách thường xuyên đón tiếp nhân dân, khách trong nước và ngoài nước tới thăm; dãy bên trái là phòng trưng bày truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Vạn Phúc.
Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), di tích này tiếp đón nhiều đoàn cán bộ, học sinh, nhân dân cả nước đến tham quan, học tập, trải nghiệm. Nơi đây có gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân cả nước dâng hương tưởng nhớ đến Bác. Trong ảnh, đoàn Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an thành phố (CATP) Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại khu di tích.
Bên ngoài căn phòng làm việc của Bác Hồ ở tầng 2 ngôi nhà. Bác đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương từ ngày 3-19/12/1946. Trong các ngày 18 và 19/12, Bác đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước, vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến và ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”.
Phía bên phải của tầng 2 là phòng làm việc, nơi Bác viết “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Hơn 70 năm qua, trải qua những biến động lịch sử, căn phòng nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn còn được giữ gìn, bảo vệ tốt các di vật căn phòng còn ấm hơi Người. Chiếc giường gỗ, bàn viết, ngọn đèn dầu còn đây. Những kỷ vật thiêng liêng ấy gợi nhớ những ngày đầu Bác lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp để 9 năm làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Kề bên giường là bàn làm việc, đó là một án thư cao chừng 75 cm, chân con tiện, trên bàn là chiếc đèn dầu hỏa, trang bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.
Những hiện vật Bác từng dùng trong những ngày làm việc ở đây cũng được lưu giữ.
Một số báo chí tiến bộ thời kỳ 1936-1945 lưu hành ở làng Vạn Phúc được trưng bày trong khu di tích.
Tại gian chính ngôi nhà còn bày bộ bàn ghế mây, nơi Bác thường xuyên họp bàn với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận kế sách kháng chiến; đặc biệt là cuộc họp Ban chấp hành Trung ương mở rộng.
Hơn 70 năm trải qua những biến động lịch sử, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác mãi là niềm tự hào, là bài học của người Việt Nam.
Trong khuôn viên di tích còn có không gian trưng bày các hiện vật, hình ảnh về làng lụa Vạn Phúc.
Đại diện đoàn Phòng Hồ sơ Công an thành phố (CATP) Hà Nội viết lưu bút tại khu di tích.
Khuôn viên vườn tại khu di tích khá rộng và được trồng các loại cây như mít, nhãn, bưởi... Di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 21/2/1975 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp lại vào ngày 16/6/2014.
Phạm Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.