Người dân đồng thuận, tăng tốc triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Hoài Ngọc Thứ hai, ngày 02/12/2024 17:07 PM (GMT+7)
Để tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về dự án; vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng tuyến đường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương... để người dân hiểu, đồng thuận ủng hộ dự án.
Bình luận 0

Đánh dấu việc phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc

Cuối tháng 9/2024, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được khởi công. Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đây là dự án giao thông lớn nhất của tỉnh Hòa Bình cho đến nay.

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung. Mục tiêu hoàn thiện kết nối tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, từ đó tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thành đường giao thông liên vùng: Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc. Từ đó, phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông.

Người dân đồng thuận, tăng tốc triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra hướng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu tại Lễ khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài

Tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đây là sự kiện quan trọng, mốc son đánh dấu việc phát triển hạ tầng của vùng Tây Bắc và sự trưởng thành của tỉnh Hòa Bình - được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án. Theo Thủ tướng, dự án hoàn thành sẽ phát huy vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ cho tỉnh Hòa Bình. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị thời gian thi công dự án rút ngắn một năm, hoàn thành vào 31/12/2027. Xây dựng ngay phương án giai đoạn 2 của dự án, mở rộng thành 4 làn đường...

Ông Bùi Văn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ tạo điều kiện khai thác những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, dịch vụ tại tỉnh Hòa Bình và Sơn La, thu hút, khai thác các quỹ đất chưa sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Việc khởi công và sớm hoàn thành dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Mộc Châu (Sơn La), góp phần thu hút đầu tư vào các địa phương tuyến đường đi qua.

Dân đồng thuận, chính quyền nỗ lực bàn giao mặt bằng

Xóm Sèo, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc) là địa điểm được chọn khởi để khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Từ khi có chủ trương đầu tư dự án, người dân trên địa bàn xóm ai nấy đều đồng tỉnh ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Hiếm - người dân xóm Sèo chia sẻ: "Khi biết dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua, người dân chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Là một trong những hộ dân có đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án, gia đình tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến nay, gia đình tôi đã nhận được tiền đền bù và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án. Người dân rất mong dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Người dân đồng thuận, tăng tốc triển khai cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu- Ảnh 2.

Được sự đồng thuận nhất trí cao của người dân, chính quyền xã Cao Sơn nỗ lực bàn giao mặt bằng sạch cho đơn thi công cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Ảnh: Phạm Hoài

Anh Nguyễn Văn Thắng - Trưởng xóm Sèo, cho biết: Xóm Sèo hiện có hơn 200 hộ dân, trong đó có hơn 100 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án. Khi có chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, xóm đã tổ chức các buổi họp dân, đồng thời lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án cao tốc. Các hộ dân có đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án ai nấy đều đồng tình chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đến nay đa số hộ dân đã nhận được tiền đền bù của dự án, chỉ còn 4 hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng vì liên quan đến thủ tục đất đai…

"Thực ra khi biết sẽ có dự cao tốc đi qua, người dân xác định sẽ mất đất để phục vụ thi công dự án, tuy nhiên sau này người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dự án như khâu vận chuyển hàng hóa nông sản sẽ được rút ngắn, giá cả tăng lên… Và hơn nữa, dự án có ý nghĩa to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Người dân rất đồng tình, không ai có ý kiến nào khác" - Trưởng xóm Sèo bộc bạch.

Ông Đinh Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua địa bàn 4 xóm là Sèo, Nà Chiếu, Tằm và Lanh. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, xã đã thành lập Ban chỉ đạo trên cơ sở theo quyết định của Trung ương, tỉnh và huyện; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như ý nghĩa và sự quan trọng của dự án cao tốc.

Hiện nay, xã có trên 300 hộ dân liên quan đến dự án cao tốc và trên 1.000 thửa đất phải quy chủ cũng như đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Các công việc đo đạc, kiểm đếm, quy chủ đất đai, tài sản người dân trên đất đang được chính quyền xã phối hợp với cơ quan chức năng nỗ lực triển khai.

Đối với xóm Sèo, hiện xã đã quy chủ và đền bù được 122/126 hộ dân, còn 4 hộ dân còn vướng thủ tục về hồ sơ mua bán chuyển nhượng…, xã đang tiếp tục bổ sung hồ sơ để tiến hành bồi thường.

Đối với xóm Nà Chiếu, xã đã lập hồ sơ trên 80 hộ, gần 200 thửa đất được quy chủ, chuẩn bị áp giá, niêm yết công khai chi trả tiền đền bù cho người dân.

Cùng với đó, xã Cao Sơn tiếp tục thiết lập hồ sơ xóm Tằm và Lanh khoảng 150 hộ, phấn đấu khoảng 1 tuần nữa hoàn thành thiết lập hồ sơ gửi hồ sơ lên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện và Phòng TNMT huyện thực hiện áp giá lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nhà nước.

"Đà Bắc là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh, khi tuyến cao tốc được hoàng thành và đưa và sử dụng sẽ là điểm mở cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế của người dân trên địa bàn xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, khi có cao tốc việc lưu thông hàng hóa sẽ trở nên thuận lợi, giá trị sản phẩm nông nghiệp của người dân từ đó cũng được nâng lên rất nhiều" - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho hay.

Kiểm đếm xong 2.236 thửa đất toàn tuyến qua huyện Đà Bắc

Về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, theo báo cáo UBND huyện Đà Bắc, hiện nay, huyện đã tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu lần 1 với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng. Đến ngày 12/11, đã bàn giao mặt bằng sạch 3km khu vực khởi công thuộc địa phận xã Cao Sơn cho chủ đầu tư.

Về công tác đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản trên đất, UBND huyện đã thực hiện quy chủ, kiểm đếm xong toàn tuyến là 2.236 thửa đất thuộc phạm vi thu hồi với tổng chiều dài khoảng 21/21km. Trong đó, thị trấn Đà Bắc 888 thửa, chiều dài 5km; xã Cao Sơn 1.125/1.125 thửa, chiều dài 10,5km; xã Tú Lý 20 thửa, chiều dài 0,2km; xã Tiền Phong tổng 223/223 thửa với chiều dài 6km. Tính đến ngày 27/11 đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản trên đất trên phạm vi tuyến chính, số hộ bị ảnh hưởng mất nhà là 60 hộ.

Ban Quản lý dự án ĐTXD và Phát triển quỹ đất huyện hiện đã lập phương án bồi thường đối với tài sản trên đất của toàn tuyến với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng.

Hiện, Ban Quản lý dự án ĐTXD và Phát triển quỹ đất huyện đang niêm yết dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lần 2 với khoảng 80 hộ dân xã Cao Sơn tương đương với hơn 3km và kinh phí bồi thường khoảng hơn 28 tỷ đồng; dự kiến phê duyệt trong tháng 12/2024.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem