Người Nhật Tân tất bật thu hoạch cúc họa mi trong ngày lạnh "cắt da cắt thịt"
Video: Người dân Nhật Tân tất bật thu hoạch cúc họa mi.

Đến hẹn lại lên, cứ vào độ tháng cuối cùng trong năm, Hà Nội lại bước vào mùa hoa cúc họa mi. Những khu vực ven bãi giữa sông Hồng đoạn qua cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ) và phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), nơi nào cũng phủ trắng bằng những vườn hoa cúc.

Theo những người trồng hoa lâu năm tại Hà Nội, trước đây cúc họa mi chỉ là loài cây mọc dại, ít hộ trồng, thường được trồng xen canh với hoa đào. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, loại hoa này đã được nhiều người ưa chuộng để chụp ảnh, trang trí, có sức tiêu thụ mạnh nên bà con và nhà vườn bắt đầu trồng nhiều, nhiều người ươm giống bán theo thời vụ.

Hoa cúc họa mi thường được trồng ở khu bãi đá sông Hồng, thuộc phường Nhật Tân, đoạn sau chợ hoa Quảng An, quận Tây Hồ. Cúc họa mi thường được người dân phường Nhật Tân trồng theo 2 phương thức là xen canh giữa các gốc đào và trồng luống riêng để tiện chăm sóc.

Đối với nhiều gia đình trồng cúc họa mi, thì thời gian này cũng tất bật, ngày nào cũng phải xem vườn, cắt hoa đúng ngày.

Mỗi bó hoa 5-7 cành to nhỏ được bó cẩn thận bằng dây lạt mềm để cành không bị tổn thương, giúp hoa tươi lâu.

Mỗi bó hoa sau đó được bọc trong túi nylon, phân loại tại vườn.

Hoa cắt ra tới đâu thường được thương lái thu mua tới đó.

Chị Vũ Thị Yến (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Ở khu vực này chúng tôi bán buôn là chủ yếu, đầu mùa thì giá rơi vào tầm 150.000 - 200.000 đồng một bó to, bây giờ thì một bó như thế có giá từ 70.000 - 100.000 tùy hoa đẹp hay xấu".

Chị Yến cho biết thêm, để cúc họa mi ra hoa đúng vụ, người dân bắt đầu ươm mầm từ tháng 4 âm lịch và sau khoảng 6 tháng hoa sẽ nở.

Những người nông dân trồng hoa thường thu hoạch cúc họa mi từ 3 giờ sáng để giữ hoa tươi lâu, dễ bán được giá cao, đồng thời để kịp cung cấp cho người bán hoa và lái buôn.

Hiện nay, cúc họa mi được trồng nhiều tại hai làng hoa lớn là Nhật Tân và Tây Tựu. Trồng hoa là nghề tạo ra nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân nơi đây.