Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê: Làm đường sắt cao tốc 200km/giờ là tối ưu

An Linh Thứ năm, ngày 15/09/2022 07:45 AM (GMT+7)
Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Việt Nam rất cần có đường sắt tốc độ cao, trong đó tốc độ thiết kế nên là 200 km/giờ vì hiệu quả tối ưu.
Bình luận 0

Ủng hộ làm đường sắt tốc độ cao 200km/giờ

GS Khuê phân tích, nếu "làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 300km/ giờ, từ Hà Nội đi TPHCM mất khoảng 5 giờ 30 phút, nhưng lại lãng phí, đắt đỏ vì không chở được hàng hoá. Trong khi đó, nếu làm đường sắt tốc độ cao 200 km/ giờ, chúng ta vừa có suất đầu tư rẻ, lại chở được cả hàng hoá", ông Khuê nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê: Làm đường sắt cao tốc 200km/ giờ là tối ưu - Ảnh 1.

Đường sắt cao tốc Shinkasen của Nhật Bản. (Ảnh: An Linh)

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch Tổng thể Quốc gia thời kỳ 2020-2030 và tầm nhìn năm 2050, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã đưa ra những phân tích về quy hoạch hạ tầng giao thông, trong đó đặt vấn đề Việt Nam thiếu vắng trục xương sống về vận tải hàng hoá đường sắt, vấn đề nhức nhối trong giao thông đô thị tại các thành phố lớn, đầu tàu kinh có liên quan trực tiếp đến hạ tầng vận tải, hay định hướng vươn ra đại dương của Việt Nam.

Lấy ví dụ về chi phí logistics đang khiến giá cả hàng hoá Việt Nam đội cao, khó cạnh tranh với nước ngoài và mỏ vàng làm lợi cho các hãng tàu nước ngoài, GS Khuê chỉ rõ: quy mô GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 400 tỷ USD, chi phí logistics đang chiếm 20%, như vậy mất khoảng 80 tỷ USD cho chi phí vận tải, kho bãi, hạ tầng. Nếu năm 2035, quy mô GDP của kinh tế Việt Nam đạt 1.000 tỷ USD, chi phí logistics nếu vẫn giữ chiếm 20%, hàng năm chi phí losgictis sẽ tiêu tốn 200 tỷ USD, điều này rất đáng ngại. 

Theo ông Khuê, Việt Nam có biển Đông và Thái Bình Dương - nơi có nhiều mưu lợi nhưng cũng nhiều thách thức. Nhưng muốn vươn ra biển lớn, Việt Nam cần có tầm nhìn vượt đại dương.

"Chở hàng hoá bằng ô tô chỉ là tiểu ngạch, nhỏ lẻ, không thể so sánh với vận tải viễn dương bằng tàu container được", ông Khuê nói.

Ông Khuê lấy ví dụ, xuất khẩu nông sản giá cao, nông dân luôn là người chịu thiệt, không được lợi. Các hãng tàu lũng đoạn áp đặt giá cao, vì thế xưa nay "nông dân ngồi trên chảo lửa chỉ biết kêu trời". 

Liên hệ với quy hoạch không giao giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, ông Khuê nêu hàng loạt ví dụ về việc thiếu tầm nhìn chiến lược ra biển lớn. 

Bên cạnh đường sắt tốc độ cao, ông Khuê cũng kỳ vọng chiến lược hướng ra biển, tầm nhìn vượt đại dương cần được đưa vào quy hoạch tầm chiếm lược.

Theo ông này, làm thế nào phải có đội tàu viễn dương, đất nước 3/4 giáp biển, mà không có đội tàu viễn dương là không thể được, phải có để đối trọng với nước ngoài. Không có tàu viễn dương sẽ ảnh hưởng đến chủ trương mở cửa, vươn ra đại dương của đất nước ta.

Về đường sắt tốc độ cao, một chủ đề đang được sự quan tâm lớn hiện nay, ông Khuê cho rằng cần tính toán lợi ích và hiệu quả dự án này, chở người nhưng đặc biệt là chở được hàng là chính. 

Theo GS Khuê: Kỳ vọng năm 2045 Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt tốc độ cao đưa hàng hoá từ Cần Thơ chạy dọc đất nước, qua Côn Minh, nối sang Kazakhstan. 

Hà Nội thấy "thảm hoạ" giao thông đô thị

Ông này cho rằng, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị ngay triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam để gối đầu. "Nếu triển khai đúng theo yêu cầu, năng lực vận chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ lớn gấp 5 lần so với vận tải đường bộ bằng cao tốc 4 làn xe. Nó sẽ giúp thay đổi toàn bộ cấu hình vận tải, có khả năng kéo giảm chi phí logitics xuống trung bình khu vực 12-13%", ông Khuê nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê: Làm đường sắt cao tốc 200km/ giờ là tối ưu - Ảnh 2.

GS, TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT. (Ảnh An Linh)

Về quy hoạch giao thông đô thị, vấn đề nhức nhối, đang là thách thức cực lớn cho các nhà quy hoạch, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: Giao thông đô thị Việt Nam gặp thách thức cực lớn, Hà Nội, TPHCM có mật độ dân số đô thị cao gấp 2-3 lần Thái lan và Malaysia. Ách tắc giao thông kéo lùi sự phát triển, khiến các trung tâm kinh tế không thể phát triển.

Ông Khuê cho rằng, khi xe cá nhân/người ở Hà Nội và TPHCM bằng các đại đô thị của Thái Lan, Malaysia, mức độ tích tụ dân số như hiện nay, mật độ giao thông sẽ gấp đôi các nước. 

"Hà Nội đã nhận thức được vấn đề này từ lâu nhưng không giải quyết được vì thiếu quy hoạch, tầm nhìn. Ngày 20/12/2016, Hà Nội báo cáo Thường vụ Quốc hội rằng họ thấy thảm hoạ đến nơi, nhưng không biết làm thế nào? Nếu không giải quyết được bài toán giao thông đô thị, chúng ta sẽ kéo giảm tốc độ phát triển của các vùng động lực này đi xuống'', ông Khuê nhớ lại.

Theo ông Khuê, từ nay đến năm 2030 mục tiêu đưa giao thông đô thị chiếm 30%, năm 2050 sẽ là 50%. Nhiệm vụ này rất khó khăn và cần phải xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng không thể mở rộng các đường vành đai đường bộ và sử dụng nó được vì như thế chỉ khiến lưu lượng xe cá nhân ngày càng nhiều và không cách gì giải quyết được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem