Facebook Marketplace đã trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi giao dịch mua và bán hàng hóa cá nhân trực tuyến, phần lớn là do Facebook không tính bất kỳ loại phí nào khi niêm yết trên dịch vụ. Thật không may, sự phổ biến của Marketplace cũng khiến nó trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những trò lừa đảo.
Dưới đây là 9 dấu hiệu lừa đảo phổ biến trên Facebook Marketplace.
1. Người bán yêu cầu đặt cọc hoặc thanh toán trước
Kẻ lừa đảo có thể yêu cầu bạn đặt cọc hoặc thanh toán trước mặt hàng để đảm bảo chắc chắn gửi hàng. Nhưng sau khi nhận khoản tiền này, chúng có thể sẽ không gửi gì cho bạn.
Cách tránh bị lừa đảo: Không bao giờ thanh toán trước hoặc đặt cọc bất kỳ thứ gì khi mua hàng trên Marketplace. Nếu người bán tiếp tục tạo áp lực ép buộc bạn cần đặt cọc gấp, thì khả năng cao đó là lừa đảo.
2. Giá quá rẻ so với mặt bằng chung
Hãy cẩn thận với bất kỳ thứ gì được rao bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với mặt bằng chung. Những sản phẩm này rất có thể là đồ bị lỗi hoặc hàng giả, hàng nhái.
Cách tránh bị lừa đảo: Cách an toàn nhất để đảm bảo bạn không bị lừa là trực tiếp đến mua hàng tại địa chỉ cụ thể và kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán.
3. Cảnh giác khi mua đồ điện tử
Hãy cảnh giác khi mua bất kỳ mặt hàng điện tử nào trên Marketplace như điện thoại, máy tính bảng, laptop... Nhiều kẻ lừa đảo sẽ lợi dụng lòng tin để gửi cho người mua những thiết bị hỏng không sử dụng được.
Cách tránh bị lừa đảo: Nếu có nhu cầu mua loại mặt hàng này, bạn nên đến trực tiếp địa điểm giao dịch để xác nhận xem nó có hoạt động tốt mọi chức năng như sạc, chụp ảnh,... hay không.
4. Khách hàng thanh toán vượt mức và yêu cầu hoàn tiền
Khách hàng chụp ảnh chuyển khoản thanh toán thừa với lý do nhầm lẫn và yêu cầu bạn hoàn tiền, đồng thời tạo áp lực cần bạn chuyển khoản gấp, trong khi bạn không thấy tài khoản ngân hàng thông báo bất cứ biến động số dư nào. Nếu làm theo, bạn có thể vừa mất hàng, vừa mất thêm một số tiền lớn.
Cách tránh bị lừa đảo: Không bao giờ chuyển khoản trả lại tiền thừa cho đến khi có thông báo biến động số dư chính xác từ tài khoản ngân hàng.
5. Cảnh giác khi thuê căn hộ
Sử dụng Facebook Marketplace để thuê căn hộ? Hãy hết sức cẩn thận. Nhiều kẻ lừa đảo có thể dễ dàng tạo danh sách bất động sản giả mạo không thực sự cho thuê.
Cách tránh bị lừa đảo: Luôn xác minh tính xác thực bằng cách liên hệ với người quản lý danh sách bất động sản độc lập với Facebook trước khi giao bất kỳ khoản tiền nào.
6. Chiêu trò "mồi nhử"
Bạn đang tìm mua thứ gì đó trên Facebook Marketplace, nhưng khi người bán liên hệ lại với bạn thì sản phẩm đó đã được bán rồi, sau đó họ gợi ý cho bạn một mặt hàng tương tự. Tùy vào quyết định của bạn, đôi khi điều đó có thể ổn. Nhưng đây là kế hoạch mồi nhử được thiết kế để lôi kéo bạn từ muốn một sản phẩm này đến đồng ý mua một sản phẩm khác kém chất lượng hơn nhiều.
Cách tránh bị lừa đảo: Rời khỏi người bán và tìm món hàng bạn thực sự muốn ở nơi khác.
7. Khiếu nại về việc chưa nhận được hàng
Người mua có thể phản ánh rằng họ chưa nhận được món hàng qua đường bưu điện trong khi thực tế đã nhận được rồi nhằm mục đích lấy lại tiền.
Cách tránh bị lừa đảo: Nếu bạn giao hàng cho người mua, hãy làm việc đó một cách thông minh. Luôn sử dụng mã theo dõi đơn hàng với bên vận chuyển để đối phó với bất kỳ khiếu nại nào về việc gói hàng bị thất lạc hoặc chưa được nhận. Nếu bạn là người mua, hãy yêu cầu mã theo dõi đơn hàng để xác nhận mặt hàng đang được vận chuyển và biết khi nào hàng về tay.
8. Đừng tin biên lai thanh toán do người mua cung cấp
Nếu bạn đang bán một mặt hàng và phải làm việc với hệ thống thanh toán Internet Banking, đừng tin mọi lời khẳng định của người mua rằng họ đã thực hiện thanh toán trong khi bạn chưa nhận được thông báo biến động số dư. Người mua thường lấy lý do hệ thống ngân hàng bị lỗi và thuyết phục bạn tin rằng họ đã thật sự chuyển khoản thanh toán.
Cách tránh bị lừa đảo: Không gửi hàng trước khi nhận được thông báo biến động số dư từ tài khoản ngân hàng.
9. Quà tặng miễn phí
Miễn phí luôn tuyệt vời, phải không? Ví dụ, thông thường, những người sắp chuyển nhà thường để lại đồ đạc trong nhà và sẵn lòng tặng nhiều món đồ miễn phí. Nhưng hãy cẩn thận với các quà tặng trực tuyến mà bạn cần điền vào biểu mẫu để nhận được thứ gì đó miễn phí, do điều này ẩn chứa nguy cơ bị thu thập thông tin cá nhân.
Cách tránh bị lừa đảo: Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân cho người bán hàng trực tuyến. Ai đó thực sự muốn để lại các mặt hàng miễn phí sẽ không cần yêu cầu dữ liệu nhạy cảm của bạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.