Năm học 2022-2023, dự kiến toàn thành phố tăng 21.825 học sinh. Trong đó, các quận huyện tăng nhiều nhất có thể kể đến như quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Các quận, huyện này đều là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao dẫn đến việc tăng học sinh.
Chỉ có 20% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày
Theo số liệu mới nhất của Phòng GDĐT quận Bình Tân, trong năm học 2022–2023, dự kiến quận có 122.362 học sinh, tăng 9.491 em ở cả hệ công lập và ngoài công lập. Trong đó, bậc mầm non tăng 7.062 học sinh, bậc tiểu học là 57.082 học sinh, bậc THCS tăng 2.778 học sinh.
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GDĐT quận Bình Tân cho biết, dù học sinh tăng khá cao nhưng quận Bình Tân vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh các cấp. Trong đó, bậc tiểu học có sĩ số bình quân 42,2 học sinh/lớp. Bậc THCS có sĩ số bình quân 43,5 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của quận là không đảm bảo được việc dạy 2 buổi/ngày cho học sinh. Trong đó, bậc tiểu học chỉ đạt 40%, còn bậc THCS chỉ đạt hơn 20%. Đối với các lớp 3, 7, 10 học sách của chương trình mới, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cũng thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả quận.
Tương tự, việc này cũng xảy ra tại quận 12 – một trong những quận "nóng" của thành phố vì tăng dân số cơ học mỗi năm.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GDĐT quận 12 cho biết, tổng học sinh của quận trong năm học sắp tới là 105.457 em. Trong đó, mầm non có 27.995 em, tiểu học có 47.892 em, THCS có 29.570 em. Năm nay, toàn quận tăng thêm 5.755 học sinh.
Về tỷ lệ học 2 buổi/ngày, năm nay quận 12 có tăng trưởng so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức rất thấp. Trong đó, bậc tiểu học chỉ đạt 27,9% (tăng 3,5%) và bậc THCS đạt 22,7% (tăng 4,4%).
Xếp thứ 3 trong các quận, huyện có số học sinh đông nhất thành phố, huyện Bình Chánh có khoảng 100.000 học sinh trong năm học mới. Trong đó, có 5.365 trẻ mẫu giáo (giảm 1.282 trẻ so với năm ngoái); 8.530 trẻ độ tuổi vào lớp 1 (giảm 2.119 trẻ) và 8.561 học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học (tăng 1.776 học sinh). Cũng như hai quận trên, huyện Bình Chánh đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh nhưng tiêu chỉ dạy 2 buổi/ngày thì không đảm bảo. Trong đó, bậc tiểu học đạt khoảng 48%, bậc THCS đạt khoảng 52%. Dù vậy, đây vẫn là con số hơn hẳn so với quận Bình Tân và quận 12.
Giải quyết bài toán sĩ số
Theo lãnh đạo Phòng GDĐT các quận Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh, việc thiếu trường lớp không diễn ra toàn quận mà chỉ cục bộ ở vài phường, xã đông dân cư nhưng ít trường lớp. Việc này không chỉ năm nay mới có mà tiếp diễn từ nhiều năm. Dù địa phương bổ sung thêm trường học, lớp học, cải tạo sửa chữa… để đưa vào sử dụng nhưng vẫn không đáp ứng đủ vì tỷ lệ tăng dân số cơ học quá cao.
Để giải quyết áp lực sĩ số tại các trường học này, các quận đã thực hiện việc phân tuyến, đưa học sinh sang các phường, xã lân cận để học.
Tại quận Bình Tân, phường Bình Hưng Hòa A là phường áp lực chỗ học nhất vì có đến 120.000 dân nhưng chỉ có duy nhất một trường THCS và 3 trường tiểu học. Do đó, một số học sinh bậc THCS của phường này phải sang học tại một số trường THCS ở địa bàn phường lân cận.
Tại quận 12, hai phường có dân số đông nhất là phường Tân Thới Nhất (104.000 dân) và phường Tân Chánh Hiệp (trên 82.000 dân). Trong khi đó hai phường này chỉ có 4 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 3 trường THCS (công lập). Về trường ngoài công lập có 6 trường mầm non, 1 trường tiểu học, không có trường THCS tư thục nào. Hiện tại, học sinh tại hai phường này được phân tuyến sang các trường của phường Đông Hưng Thuận học. Theo ông Hùng, nếu học sinh ở giáp ranh phường thì đi học sẽ gần, còn xa hơn thì khoảng 3-4km.
Tại huyện Bình Chánh, có 3 xã rơi vào tình trạng thiếu trường lớp cục bộ. Trong đó, xã Vĩnh Lộc A hiện đang có gần 170.000 dân (tạm trú khoảng 130.000 dân), xã Vĩnh Lộc B có khoảng 146.000 dân (tạm trú khoảng 115.000 dân), xã Phạm Văn Hai có hơn 32.000 dân (tạm trú khoảng 18.000 dân); số học sinh bậc tiểu học và THCS của 3 xã này là khoảng 32.500 em. Cả 3 xã chỉ có 10 trường tiểu học và 5 trường THCS công lập. Đáng nói, hệ thống ngoài công lập cũng chỉ có 1 trường tiểu học, không có trường THCS nào.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng Phòng GDĐT huyện Bình Chánh cho biết, các trường buộc phải tận dụng tối đa công suất phòng học và trưng dụng các phòng chức năng để tổ chức dạy học. Đồng thời, các trường ở 3 xã "nóng" nói trên buộc phải "co" lớp học lại, để có thêm phòng cho các lớp đầu cấp. Ví dụ, trường sẽ sát nhập một vài lớp thuộc các khối 7, 8, 9 để dôi dư phòng phục vụ cho học sinh lớp 6.
Bên cạnh đó, Phòng GDĐT cũng phân tuyến, đưa học sinh trường quá tải sang các trường lân cận để san sẻ gánh nặng chỗ học. Việc phân tuyến có nhiều khó khăn, thiệt thòi cho học sinh bởi có những em sẽ phải đi học xa tới 7km.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.