Mỗi lần về thăm quê, tôi cứ bần thần đứng ngắm nơi một thời có cái kho và sân kho hợp tác xã. Chỗ ấy giờ đã là một trường mầm non. Nghe tiếng trẻ nói cười, bi bô lại nhớ cái khúc khích trốn tìm của tuổi thơ ở sân kho ngày nào, như vẫn đâu đây mà khuất nẻo bao năm tháng.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2016/images/2016-03-17/1458205525-san-kho-hop-tac2.jpg)
Sân kho hợp tác (ảnh: PM).
Ngày ấy, làng tôi chỉ phần nhiều là nhà vách chát đất, mái tranh, thi thoảng mới có nhà ngói, tường xây đá hộc. Cái sân kho láng xi măng, cái nhà kho xây vôi cát hồi đó như một chỗ khang trang, “sang trọng” của lũ trẻ.
Tháng Ba, mưa bịu, đất vẫn dính ướt, cái hiên nhà kho là nơi đám con gái ngồi lê đánh chuyền, bọn con trai chơi ô ăn quan. Chẳng biết cái sân kho hợp tác có từ bao giờ, gắn với tiếng kẻng và lề lối làm ăn HTX như thế nào, nhưng với lũ trẻ nó là cái sân chơi, là cái “căn cứ” của bao lần chơi trận giả, là nơi vẽ những bàn cờ bằng gạch non. Hình như, những cái sân kho trữ lúa ấy dần thay đổi để thành các công trình của cộng đồng, người già thưa dần trong các xóm, người ta cũng không mấy khi nhắc lại những kỉ niệm về cái sân kho ấy nữa.
Sau này, khi đi nhiều nơi, tôi vẫn có thói quen để mắt đến những dấu tích của thời gian. Có khi là một bức tường đổ, một dãy nhà ngói cũ… tất cả đều gợi nhớ kỉ niệm của tuổi thơ. Nhưng có lẽ trong số ấy, cái nhà kho, sân kho hợp tác vẫn là điều đặc biệt nhất, nó khiêm nhường giữa những ngôi nhà xây cao tầng mới mọc lên.
Giờ đứng nhìn tường vôi, mái ngói in dấu nắng mưa, mới thấy thời gian đã trôi qua nhanh quá. Dường như chỉ những ai đã từng sống qua những năm tháng ấy mới thấy lưu luyến và bâng khuâng trước dấu tích này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.