Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha

Văn Ngọc Thứ hai, ngày 10/04/2023 11:43 AM (GMT+7)
La Ha là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều chương trình, chính sách đặc thù, hỗ trợ đồng bào La Ha xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình luận 0

Clip: Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha

Thay đổi cách nghĩ, nếp làm của người La Ha

Đồng bào La Ha là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng cao tỉnh Sơn La, kinh tế chủ yếu phụ thuộc làm nương rẫy và trồng lúa nước. Chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất và sản lượng thấp dẫn đến thu nhập bấp bênh, cuộc sống còn nhiều khó khăn..

Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS và miền núi thì những chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững hay phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS luôn nhận được sự ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả các chính sách như: Chương trình 134, Chương trình 135, Đề án hỗ trợ phát triển KT- XH các DTTS rất ít người  đã từng bước làm thay đổi cuộc sống của đồng bào các DTTS nơi đây.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 2.

Bản Kẻ, một trong những bản có đồng bào dân tộc La Ha còn nhiều khó khăn của huyện Mường La, Tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Theo chân cán bộ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chúng tôi đến thăm bản Kẻ, một trong những bản có đồng bào dân tộc La Ha sinh sống trên địa bàn huyện Mường La. Bản Kẻ có 41 hộ, 193 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc La Ha. Trước đây, đời sống, kinh tế, xã hội của bà con còn gặp không ít khó khăn, thu nhập chính của họ chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, làm nương rẫy, trồng lúa nước. Họ có làm nhiều đến mấy cũng chỉ đủ ăn, việc giao thương buôn bán nơi đây còn rất nhiều hạn chế.

Gia đình chị Lò Thị Mai, dân tộc La Ha, ở bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trước đây gia đình chị ở nhà sàn xập xệ và nuôi nhốt gia súc ngay dưới gầm nhà, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, giúp đỡ phát triển kinh tế, gia đình chị Mai đã xây dựng lại nhà ở kiên cố. Đặc biệt gia đình chị đã di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, xây dựng chuồng trại mới cách xa nhà để tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Chị Lò Thị Mai chia sẻ: "Những năm gần đây, được Nhà nước quan tâm, chăm lo hỗ trợ, đời sống của gia đình tôi nói riêng và đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn nói chung đã có nhiều thay đổi tích cực. Những thói quen, tập tục sinh hoạt, sản xuất cũ, lạc hậu đã dần được thay thế bởi cái mới, tiến bộ. Bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả để tăng thêm thu nhập.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 3.

Nhờ được hưởng các chính sách dành cho người dân tộc, gia đình chị Lò Thị Mai, dân tộc La Ha, ở bản Kẻ, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La  cho biết: Xác định thúc đẩy phát triển kinh tế là giải pháp quan trọng giúp người dân La Ha thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập. Từ năm 2019 đến nay, với nguồn vốn được tỉnh, Trung ương phân bổ, huyện đã hỗ trợ trên 10,6 tỷ đồng mua con giống, máy móc nông cụ và kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi cho 822 hộ dân. Tổ chức hàng chục lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất cho chủ hộ gia đình.

Đồng thời, huyện đã đầu tư xây dựng hai công trình đường giao thông và cầu dân sinh tại bản Nong Quài, Pá Kìm, xã Chiềng Muôn với tổng kinh phí 11,8 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, huyện Mường La còn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho 157 học viên là cán bộ dân tộc La Ha ở bản, xã về kiến thức quản lý nhà nước, nghiệp vụ hoạt động văn hóa, thông tin cơ sở; mở 4 lớp truyền khẩu dạy tiếng dân tộc La Ha cho 152 học viên tại bản Huổi Quảng, Huổi Tóng, xã Chiềng Lao và bản Lọng Bong, xã Hua Trai.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 4.

Những năm qua, huyện Mường La tỉnh Sơn La đã tích cực hỗ trợ về cây giống vật nuôi giúp đồng bào La Ha vườn lên thoát nghèo. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng như Mường La, Thuận Châu là huyện có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống, tập trung tại các xã Nong Lay, Chiềng La và Liệp Tè, với gần 600 hộ dân, trong đó hơn 54% số hộ thuộc hộ nghèo. Để  giúp đồng bào La Ha vươn lên xóa đói giảm nghèo, huyện Thuận Châu đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng , hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Ông Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhằm giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ 100% hộ dân tộc La Ha di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng cho 460 hộ cải tạo ao nuôi thủy sản; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 600 người về kỹ thuật trồng cây, ghép mắt, ủ phân trâu, bò...  Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc La Ha có nhiều chuyển biến rõ rệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 5.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc La Ha đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiều chính sách hỗ trợ người La Ha thoat nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay, đồng bào La Ha là dân tộc thiểu số có dưới 10.000 người, sinh sống tập trung tại 42 bản ở 17 xã thuộc các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu.

Để đưa dân tộc La Ha vươn lên thoát khỏi đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ và phát triển kinh tế -xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn. Mục tiêu của tỉnh Sơn La là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 5 đến 7% mỗi năm.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 6.

Các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ, đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho dân tộc La Ha phát triển. Ảnh: Mùa Xuân.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào La Ha cũng được quan tâm. Sơn La đã tổ chức các lớp dạy tiếng dân tộc La Ha; hỗ trợ thiết bị nhà văn hóa bản cho các bản có dân tộc La Ha sinh sống với số tiền hàng trăm triệu đồng; tổ chức khảo tả Lễ cúng bản (Xên bản) của dân tộc La Ha tại xã Nong Lay và Liệp Tè, nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc La Ha.

Nỗ lực giảm nghèo cho đồng bào dân tộc La Ha - Ảnh 7.

Đồng bào dân tộc La Ha tổ chức lễ cúng Sên Bản cầu mong sức khỏe cho mọi người, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Văn Ngọc

Bằng những giải pháp, cách làm thiết thực, hiệu quả của tỉnh Sơn La đã giúp đồng bào dân tộc La Ha thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, ổn định dân cư; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng mẹ đẻ.

Các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất được hỗ trợ, đầu tư thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần giảm dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trong tỉnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo khí thế phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem