Nỗi khổ của công nhân bị nợ lương nhiều tháng, công ty đổi tên và chấm dứt hợp đồng

Văn Nguyễn Chủ nhật, ngày 13/06/2021 13:07 PM (GMT+7)
Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải làm việc quần quật cả ngày, thậm chí không có ngày nghỉ lễ, tuy nhiên 80 công nhân của Công ty Minh Quân đang bị nợ 6-7 tháng lương, nhiều người phải nhặt ve chai bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Bình luận 0

Phản ánh đến phóng viên Báo Dân Việt, một số công nhân môi trường Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là Công ty Minh Quân) cho biết, mới đây, họ cùng với các công nhân cùng công ty đã làm đơn tập thể gửi các cơ quan ban ngành vào cuộc để đòi tiền lương nhiều tháng nay chưa nhận được.

Nỗi khổ của công nhân bị nợ lương nhiều tháng, công ty đổi tên và chấm dứt hợp đồng - Ảnh 1.

Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2020.. (Ảnh: C.P)

Công nhân phải đi vay lãi, nhặt ve chai sống qua ngày

Là công nhân môi trường tại Công ty Minh Quân từ tháng 6/2017, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê Quảng Ninh) không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt cho biết, suốt một thời gian dài từ tháng 7/2020 đến nay, chị chưa nhận được một đồng lương nào từ phía Công ty Minh Quân. "Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Từ ngày không có lương, tôi phải xoay sở vay mượn làm đủ nghề để kiếm sống", chị Uyên nói.

Theo nữ công nhân này, trước đây, như thường lệ hàng tháng chị sẽ nhận được lương với số tiền chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi ngày chị phải lao động rất cực nhọc, độc hại, nhất là những ngày rác dồn ứ phải tăng ca rất vất vả.

"Sau khi công ty nợ lương, tôi đã bán nhà ở quê rồi mua nhà trên này để tiện đường nuôi con nhỏ ăn học… nhưng công ty nợ lương quá lâu, tiền cứ cạn dần, chồng thì đã bỏ nên mấy tháng nay tôi phải đi vay mượn rất nhiều nơi, từ người thân đến bạn bè để có đủ tiền cho con ăn học cũng như trang trải cuộc sống hàng ngày", chị Uyên chia sẻ.

Nỗi khổ của công nhân bị nợ lương nhiều tháng, công ty đổi tên và chấm dứt hợp đồng - Ảnh 2.

Bị Công ty Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) nợ lương nhiều tháng, chấm dứt hợp đồng các công nhân công nhân vệ sinh môi trường thuộc địa bàn 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) hiện giờ sống khổ sở khi nợ nần chồng chất. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Cũng chung cảnh ngộ bị nợ lương, cả hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương đều đã bị Công ty Minh Quân "găm" tiền lương đã 7 tháng nay. Chị Phương chia sẻ, trong những ngày dịch bệnh khó khăn như thế này, việc tìm kiếm một công việc là rất khó.

Hiện tại, để trang trải cuộc sống cho gia đình 6 người, hàng ngày chị phải tranh thủ lúc dọn rác nhặt thêm ve chai. Trung bình mỗi ngày có thể kiếm được vài chục nghìn.

"Từ lúc công ty Minh Quân nợ đến giờ, công nhân cũng đã làm đơn tập thể gửi các cơ quan ban ngành vào cuộc để đòi tiền lương nhưng đều bị khất hết tháng này qua tháng khác. Công việc cực nhọc lại không có dịp nghỉ lễ, nay lại bị nợ lương chúng tôi khó lòng mà sống nổi", chị Phương rầu rĩ.

Ông Nguyễn Văn Đoàn  - công nhân vệ sinh môi trường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ tháng 7/2020 đến nay công ty hứa rồi khất lần không thanh toán tiền lương của ông và vợ. "Họ nợ vợ chồng tôi 10 tháng lương. Giờ đây nhiều công nhân phải vay lãi, nhặt ve chai kiếm sống trong khi lương thì bị nợ mà không biết làm thế nào", ông Đoàn nói.

Bị chấm dứt hợp đồng khi công ty đổi tên

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Môi trường phường Cầu Diễn – người phụ trách theo dõi, quản lý, trả lương cho công nhân vệ sinh môi trường thuộc địa bàn 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chỉ riêng địa bàn bà quản lý đã có khoảng 80 công nhân chưa được trả lương.

Về lý do bị nợ lương, bà Phương cho biết, Công ty Minh Quân trúng gói thầu thu gom rác từ năm 2017 – 2020 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Nỗi khổ của công nhân bị nợ lương nhiều tháng, công ty đổi tên và chấm dứt hợp đồng - Ảnh 3.

Nhiều công nhân của Công ty Minh Quân bị nợ lương từ-6-7 tháng nay. (Ảnh: Văn Nguyễn).

Đến cuối năm 2020, Công ty Minh Quân đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội và không trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2021 nên cuối năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng lao động với gần 80 công nhân này.

"Công ty chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ trả lương đối với công nhân và công ty vẫn nợ lương công nhân từ khoảng tháng 7 đến tháng 12 năm 2020 là hơn 1,8 tỷ đồng", bà Phương cho hay.

Được biết, hiện những công nhân môi trường bị nợ lương thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn (Urenco7).

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tháng 11/2020, ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc, người đại diện pháp luật hiện tại của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội và bà Mai Thị Loan đã mua lại 50% cổ phần công ty (mỗi người 25%), tương ứng số tiền 29,5 tỷ đồng, từ bà Cao Thị Thúy An (người giữ 96,9% cố phẩn vào thời điểm đó).

Theo thỏa thuận chuyển nhượng giữa các bên, từ ngày 20/11/2020, ông Trần Quang Tuấn tham gia quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đối với các giao dịch mới phát sinh.

Trao đổi với PV Dân Việt, một đại diện Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cho biết, đơn vị đã gửi công văn yêu cầu các cổ đông (bên chuyển nhượng) có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm như nội dung cam kết trong Thỏa thuận chuyển nhượng để Công ty và người lao động ổn định hoạt động sản xuất.

Theo đó, căn cứ theo thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội được thành lập ngày 20/11/2020, các bên đã cam kết nghĩa vụ: “Các hoạt động từ trước cho đến hết ngày 20/11/2020 bên chuyển nhượng độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hợp đồng, thỏa thuận, chuyển nhượng, nghĩa vụ nợ; đối với các hợp đồng, giao dịch, thỏa thuận, phụ lục hợp đồng,… phát sinh từ hợp đồng trước 20/11/2020 bên chuyển nhượng tiếp tục quản lý và chịu trách nhiệm”.

Doanh nghiệp đổi tên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động

Phân tích về mặt pháp lý về sự việc trên, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tên doanh nghiệp (DN), người đại diện theo pháp luật là quyền lựa chọn của mỗi DN và pháp luật cho phép thay đổi nhiều lần, không giới hạn. Tuy nhiên, mã số thuế hay mã số doanh nghiệp thì chỉ có một.

Tức là DN có thể đổi tên, nhưng bản chất DN đó vẫn là họ và chỉ có 1 mã số thuế. Vì vậy, Công ty Minh Quân sau này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội vẫn không ảnh hưởng đến các quan hệ giữa pháp nhân này đối với cá nhân, tổ chức khác.

Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh, công nhân ký hợp đồng với công ty và trách nhiệm về tiền lương cho công nhân, nhân viên thuộc về công ty. Việc chuyển nhượng vốn góp không thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, người lao động.

Do đó, hợp đồng lao động giữa các công nhân ký với công ty và trách nhiệm về tiền lương cho công nhân, nhân viên thuộc về công ty, chứ không phải cá nhân của bất kỳ ai. Việc chuyển nhượng vốn góp không thể ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân, người lao động. (C.P ghi).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này đến bạn đọc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem