Nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM làm nông nghiệp đô thị, được hưởng ưu đãi gì?
Nông dân các huyện nông thôn mới TP.HCM làm nông nghiệp đô thị, được hưởng ưu đãi gì?
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 23/11/2024 10:21 AM (GMT+7)
Nông dân các huyện nông thôn mới tại TP.HCM làm nông nghiệp đô thị sẽ được hưởng một loạt chính sách ưu đãi, từ hỗ trợ về vốn, thị trường, khoa học công nghệ, tập huấn và đào tạo…
Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) cho biết, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (hay còn gọi là chính sách hỗ trợ một phần lãi vay) đã hết hiệu lực thi hành. Sở NNPTNT TP.HCM đang kiến nghị tiếp tục triển khai chính sách này.
Theo bà Mai, trong thời gian chờ, hiện nay, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp đô thị. Nông dân có thể tận dụng các chính sách này để đầu tư, phát triển nông nghiệp đô thị.
Hỗ trợ vốn tối đa cho nông dân
Cụ thể là Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND TP quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, trong đó có hỗ trợ cho các dự án đầu tư sản xuất ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp (gọi tắt là chính sách kích cầu đầu tư).
Theo đó, các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp đô thị được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn; mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng dự án, trong đó phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị được hỗ trợ tối đa 85%; ngân sách thành phố hỗ trợ 100% mức lãi suất theo quy định.
Thứ hai là Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của HĐND TP về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố có dự án liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt thi được ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng (để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường); hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết, tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
Thứ ba là Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị theo Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định nội dung, mức chi được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân khí nghiên cứu và sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản trên địa bàn TP sẽ được Ngân sách Thành phố đảm bảo 100% kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí (từ 10% đến 70%) theo từng giống.
Nhiều chính sách khác
Bà Mai cho biết thêm Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn TP.HCM cũng tạo điều kiện hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp đô thị.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp xanh trên địa bàn Thành phố được hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo; tham gia khảo sát, học tập trong nước, ngoài nước; hỗ trợ thông tin tuyên truyền; xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, còn có Chính sách phát triển nông nghiệp đô thị từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân Thành phố (thuộc Hội Nông dân Thành phố).
Theo đó, hội viên nông dân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ được cho vay không đảm bảo tài sản tối đa 100 triệu đồng đối với hộ gia đình và tối đa 2 tỷ đồng đối với 1 dự án nhóm hộ. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ Nông dân áp dụng 2 loại thời hạn cho vay là ngắn hạn (các khoản vay có thời hạn đến 12 tháng) và cho vay trung hạn (các khoản vay có thời hạn tử trên 12 tháng đến 36 tháng).
Đây được xem là các chính sách lớn của Thành phố góp phần hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị. Đồng thời, hội viên nông dân tùy theo lĩnh vực hoạt động còn có thể được hỗ trợ một số nội dung theo chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; khuyến công; chính sách tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
“Bên cạnh đó, hội viên nông dân còn có thể tham gia vay vốn để phát triển nông nghiệp đô thị từ các quỹ như Quỹ trợ vốn xã viên HTX thuộc Liên minh Hợp tác xã và Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế thuộc Hội Phụ nữ”, bà Mai cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.