Nông dân U70 tỉnh Trà Vinh với 2 sáng chế máy nông nghiệp "không đụng hàng", người chăn nuôi nhàn hẳn

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 10/09/2020 13:11 PM (GMT+7)
Lão nông Đỗ Văn Út (68 tuổi; ngụ ở ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh; thương binh 4/4) sáng chế được 2 sản phẩm có một không hai khiến ai cũng phải nể phục. Đó là máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình F35 và máy xay xát gạo với nhiều tính năng vượt trội.
Bình luận 0

Máy chế biến thức ăn chăn nuôi F35

Gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Trà Vinh hết lời khen ngợi về máy chế biến thức ăn có một không hai của ông Út bởi máy này có nhiều tiện lợi, dễ sử dụng, chi phí đầu tư lại không cao. Từ thông tin trên, phóng viên Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt đã đến nhà ông để tìm hiểu về chiếc máy này.

Hai sáng chế “độc” của thương binh U70 ở Trà Vinh - Ảnh 1.

Lão nông Đỗ Văn Út ở ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh sáng chế ra máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình F35

Tại đây, ông Út cho biết, chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình này được ông bắt đầu nghiên cứu, sáng chế từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019 thành công và được ông đặt tên là F35.

Máy có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ (dài 1m, cao 1m, có lắp đặt bánh xe cho dễ di chuyển) với vật liệu bằng sắt, có kết nối với motor điện từ 5Kw - 7,5Kw hoặc máy nổ loại 10 ngựa. Theo đó, người mua có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có tại nhà như lúa, chuối cây, rau màu, ốc bưu vàng, phụ phẩm tôm cá, dừa khô,…để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ông Út vừa chỉ tay vào máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia F35 vừa hướng dẫn: "Sau khi mua về và lắp ráp, người dân đổ nguyên liệu vào thùng phía trên máy, mở điện cho máy chạy. Sau đó, nguyên liệu sẽ từ từ đổ xuống cối xoay, rồi cho thành phẩm. Máy này hoạt động với công suất trung bình từ 150kg - 200kg/giờ, sản phẩn được bảo quản sử dụng từ 30 ngày trở lên".

"Trên thị trường có rất nhiều loại chế biến thức ăn nhưng không có máy chế biến thức ăn nào dùng nguyên liệu từ lúa như máy do tôi sáng chế. Công dụng của máy rất đa dạng, chế biến được thành nhiều loại thức ăn nổi dùng cho các loại cá, đồng thời cũng chế biến được nhiều loại thức ăn chìm dùng cho tôm, cua, heo, gà, vịt ăn, bò, dê...Nó giúp mang lại năng xuất hiệu quả rất cao trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và chăn nuôi thủy sản" - ông Út nói.

Hai sáng chế “độc” của thương binh U70 ở Trà Vinh - Ảnh 2.

Đỗ Văn Út sáng chế ra máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình F35 từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 3 năm 2019 mới thành công

Khi phóng viên hỏi, vì sao ông lại sáng chế ra máy có nhiều ưu điểm vượt trội như vậy, ông Út nói, ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng, đa số người dân chăn nuôi mua thức ăn chăn nuôi với giá cao và có sử dụng nhiều hóa chất bảo quản, tăng trọng, không đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, người dân trồng lúa bán với giá không bình ổn, sụt giảm bất thường nên không có lãi. Từ đó, ông rất trăn trở và đầu tư nghiên cứu, sáng chế thành công máy chế biến thức ăn chăn nuôi F35. Đây là dạng máy liên hợp dùng cho hộ gia đình có điều kiện chăn nuôi mà không phải tốn kém chi phí nhiều.

Hai sáng chế “độc” của thương binh U70 ở Trà Vinh - Ảnh 3.

Máy cho ông Đỗ Văn Út sáng chế có thể chế biến được thành nhiều loại thức ăn nổi dùng cho các loại cá, đồng thời cũng chế biến được nhiều loại thức ăn chìm dùng cho tôm, cua, heo, gà, vịt ăn, bò, dê.

Hai sáng chế “độc” của thương binh U70 ở Trà Vinh - Ảnh 4.

Thức ăn sau khi chế biến được bảo quản sử dụng từ 30 ngày trở lên

"Chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi F35 có giá thành rẻ (khoảng 20 triệu đồng/máy). Sử dụng máy này, người dân có thể góp phần hạn chế được lượng thức ăn kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường. Tôi xin nói thêm, hiện nay, ĐBSCL đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao gây ảng hưởng đến sản xuất nông nghiệp thì việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, có sẵn như lúa, chuối cây, rau màu, ốc bưu vàng, phụ phẩm tôm cá, dừa khô,…là rất cần thiết" - ông Út chia sẻ.

Máy xay xát gạo nhiều tính năng vượt trội

Ngoài chế tạo thành công máy chế biến thức ăn chăn nuôi F35 dạng liên hợp dùng cho hộ gia đình, trước đó, ông Út cũng thành công lớn trong việc chế tạo máy xay xát gạo có nhiều tính năng vượt trội so với các thiết bị máy xay xát truyền thống trước đây. Đặc biệt là thiết bị máy gọn nhẹ (trọng lượng 100kg), phù hợp với tính cơ động trong lắp đặt tại các vùng nông thôn, phục vụ việc xay xát lúa gạo gia công.

Theo đó, máy xay xát gạo của ông Út có các tính năng nổi trội như: công suất xay xát tăng gấp đôi (đạt 7 tấn/giờ) so với kiểu máy cũ, tỷ lệ bóc tách vỏ lúa sau xay xát đạt trên 99% và gạo gãy khoảng 0,1- 2%, khâu vận hành chỉ 1 người.

Lão nông Đỗ Văn Út ngụ ở ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh giới thiệu về chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi hộ gia đình F35 và máy xay xát gạo 

Ông Út cho hay, gia đình ông có nghề truyền thống là xay xát gạo gia công, riêng bản thân ông cũng từng làm công việc lắp ráp các thiết bị máy cho các cơ sở xay xát lúa gạo trong tỉnh nên có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo, lắp ráp máy móc.

Năm 2011, do thấy các máy xay xát trên thị trường có nhiều nhược điểm như hệ thống quả ru lô hay bị mòn, công suất xay ra gạo không lớn, quản lý máy đòi hỏi nhiều nhân công và thiếu tính tự động nên ông đã nghiên cứu cách khắc phục. Đến năm 2014, sản phẩm đã được hoàn chỉnh và đưa vào vận hành.

"Với ham mê nghiên cứu và muốn đem lại các giải pháp hữu ích phục vụ người dân được tốt hơn, qua hơn 3 năm nghiên cứu, tôi đã cho ra đời máy xay xát gạo với nhiều tính năng vượt trội, tạo điều kiện cho người dân ĐBSCL dễ dàng ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp" – ông Út nói.

Theo phóng viên tìm hiểu, máy xay xát gạo có tích hợp bộ phận cảm ứng để tự động khởi động hoặc ngừng máy khi phát hiện nguyên liệu (đầu vào và đầu ra), hệ thống 2 ben hơi điều khiển 2 quả ru-lô xát gạo luôn tách biệt nhau khi nguyên liệu không có trong bồn chứa. Các bộ phận của máy hoạt động một cách đồng bộ do ông Út có "bí quyết" tính toán cân chỉnh tần suất tối ưu.

Nhờ đó, máy hoạt động hoàn toàn tự động, giải quyết được tình trạng dây cu-ro hay bị trượt ra ngoài puly làm gián đoạn quá trình hoạt động của thiết bị. Thêm vào đó, máy có thể tăng công suất, giảm 50% số lao động, giảm mài mòn phụ tùng gấp 2 lần, tạo ra sản phẩm gạo đồng nhất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Máy xay xát gạo của ông Út đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ, với tên gọi "máy xay xát gạo Quang Minh". Nhiều năm qua, máy xay xát gạo Quang Minh của ông Út đã được nhiều khách hàng trong tỉnh đến tìm hiểu và đặt hàng.

Với những thành công trong sáng chế trên, nhiều năm qua, ông Đỗ Văn Út (SN 1952, ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đã đạt nhiều giải thưởng tại nhiều cuộc thi do các bộ, ngành tổ chức cùng nhiều giấy khen của ngành chức năng tỉnh Trà Vinh.

Mới đây, tháng 8/2020 vừa qua, ông Út còn được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Cũng trong 2020 này, ông Út còn vinh dự được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của toàn quốc được vinh danh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem