Anh sinh năm 1961 – tuổi Tân Sửu, tính cả tuổi “mụ” là năm nay anh tròn 60 tuổi. Người Á Đông thường sợ năm tuổi vì quan niệm năm tuổi thường nhiều vận hạn, không may mắn. Riêng anh, anh đón nhận tuổi 60 của mình như thế nào?
Đúng như bạn nói, năm nay tôi bước sang tuổi 60. Tính ra cũng đi được 2/3 cuộc đời rồi chứ không phải ít. Thậm chí, theo như bài hát “60 năm cuộc đời” thì 60 tuổi cũng xem như đã đi gần hết cuộc đời rồi.
Ngày xưa, tôi thường bước những bước dài, dự định 5 năm, 10 năm một. Giờ tôi bước những bước ngắn hơn, tính từng ngày. Với tôi bây giờ, mỗi ngày sống là một ngày lãi. Bởi tất cả những gì có thể làm được, tôi đã làm hết mình.
Trong sự nghiệp, cái tên Chí Trung không quá nổi đình nổi đám nhưng nhắc đến gần như không ai không biết. Với Nhà hát Tuổi trẻ - nơi tôi đã gắn bó suốt cả quãng đời thanh xuân cho đến tận bây giờ, tôi cũng đã tận hiến hết sức mình.
Nhà hát vẫn duy trì được các hoạt động kể cả những lúc bối cảnh chung khó khăn nhất. Nhà hát đã đáp ứng được rất nhiều mong mỏi của khán giả. Bao nhiêu năm, tôn chỉ, mục đích, đối tượng… phục vụ của Nhà hát vẫn là thanh thiếu niên và nhi đồng.
Vừa rồi, chúng tôi ra mắt vở “Trại hoa vàng” được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chúng tôi cũng ra mắt chương trình chào đón năm mới “Thanh Xuân 21”. Chúng tôi cũng chú trọng vào lớp khán giả kế cận, không chú trọng vào doanh thu với những lớp khán giả ấy.
Nhìn lại chặng đường dài mình đã đi qua trong cuộc đời, anh thấy mình được nhiều hay mất nhiều?
60 năm là cả chiêm nghiệm dài của cuộc sống. Công danh, sự nghiệp, hôn nhân, gia đình… tất cả đều có những cái được và cái mất. Tôi rất biết ơn số phận vì đã dành cho mình những đặc ân. Tôi thấy mình may mắn vì đã được theo đuổi đến tận cùng đam mê, có nhiều vai diễn, vở diễn để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Ở cái tuổi này, khi trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời, tôi mới phát hiện ra nhiều khi mình mải mê với công việc quá, chạy quên ngày quên đêm… đến nỗi bỏ quên cả chính mình. Nghe thì có vẻ “vớ vẩn” nhưng thực sự tôi đã tìm lại bản thân mình trong chính lòng mình, tìm sự an nhiên trong suy nghĩ của mình.
Nghĩa là cho đến tận bây giờ anh mới thực sự được sống cho riêng mình, cho những điều mình đã đánh mất?
Trên đời này, khổ nhất là trong lòng mình luôn có những nỗi bất an, chứ không phải hoàn cảnh bên ngoài. Ví dụ, bây giờ, tôi giữ sức khỏe ổn định, ăn uống điều độ, không nhậu nhẹt rượu bia thường xuyên.
Tôi tập thể thao, ngày bơi 1.000m - 1.500m. Tôi giữ lịch sinh hoạt lành mạnh, điều độ trong ngày. Tôi đi xem phim, nghe nhạc, đi du lịch. Bao nhiêu năm trôi qua, giờ tôi mới phát hiện mình quên hẳn một người đó là chính mình.
Ở tầm tuổi này, anh mới sống cho chính mình, liệu có muộn màng quá không?
Thực ra, nếu cuộc sống thuận theo mong muốn của mình từ công việc, sự nghiệp và gia đình thì tôi không nghĩ nhiều, sẽ trôi theo dòng đời, trôi theo cả hạnh phúc. Nhưng khi gặp biến cố, tôi chợt nhận ra, bố mẹ mất hết rồi, chỉ còn lại một mình, nếu mình không thương mình nốt thì sẽ đi đến đâu.
Có bao giờ anh cảm thấy hối tiếc vì đã đánh mất quá nhiều thứ trong những năm tháng tuổi trẻ?
Tôi không hối tiếc vì tôi được nhiều thứ. Tôi từng có những năm tháng tươi đẹp, thành công đến với tôi một cách ngẫu nhiên. Học không được, không thi lên đại học thì vào Nhà hát Tuổi trẻ, tự nhiên thuộc vào thế hệ một - được phong là thế hệ “vàng” của Nhà hát.
Cũng nhờ sở hữu chiều cao gần 1,7m, tự nhiên trở thành “người khổng lồ” thời đó, đóng hàng trăm vai lớn nhỏ, được tham gia Gặp nhau cuối năm - Táo Quân, đóng hàng chục vai truyền hình mà giờ khán giả vẫn nhắc đến. Những thành công đó tôi cho là… ngẫu nhiên, là trời cho đấy (cười).
Nhiều bạn bè cùng bước chân vào sân khấu với anh từng phải bỏ dở đam mê vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Còn anh thì lại gắn bó với sân khấu như máu thịt dù phải đi qua không ít “đoạn trường”. Anh lý giải sao về sự say mê tận cùng này?
Đúng như bạn nói, sân khấu từng có thời hoàng kim nhưng cũng có thời kỳ hết sức khó khăn. Cái khó khăn của sân khấu nằm trong khó khăn chung của bối cảnh xã hội và cả nằm riêng trong đặc thù ngành nghề. Có thời, thù lao của diễn viên sau mỗi vở diễn không đủ ăn một bát phở. Vì thế, chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau “đi làm đuổi theo bát phở”.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của sân khấu, tôi vẫn nói với các diễn viên Nhà hát rằng, nghệ thuật sân khấu chỉ có thể tạo niềm vui, mang đến hương hoa cho đời nhưng không thể nuôi sống được bản thân. Nhưng tâm huyết và sự sung sướng của sân khấu, từ giọt mồ hôi, thậm chí là máu đổ xuống thì khác hoàn toàn với nghề khác.
Tôi đã đi qua những ngày tháng đó, được sống trong bối cảnh đó để từng bước khẳng định mình nên tôi muốn truyền lại năng lượng đó cho các bạn trẻ. Tôi mong muốn các nghệ sĩ trẻ đến với sân khấu một cách trọn vẹn thay vì chỉ nghĩ đến thu nhập. Tiền sẽ không bao giờ có trong nghệ thuật. Tuy nhiên, tiền sẽ đến sau khi người nghệ sĩ có tài năng, sự trau dồi, nâng cao kỹ năng.
Tôi từng nói với các nghệ sĩ trẻ trong Nhà hát Tuổi trẻ rằng, làm việc ở Nhà hát không nhiều tiền để giàu lên trong ngày một ngày hai. Nhưng có thể tồn tại và phát triển với nghề. Có nhiều cơ hội đi trên con đường nghệ thuật hơn. Tôi vui vì họ đã không bỏ đi khi đối diện thực tế mà tôi nói.
Có một chuyện tôi cũng muốn kể là mỗi khi nhà hát dựng vở của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, các diễn viên đều trở về với một tình cảm rất đáng trân trọng. Các bạn đến viếng mộ vợ chồng anh Lưu Quang Vũ, chị Xuân Quỳnh. Tôi xúc động vì điều đó. Tất cả những giá trị ấy, chúng tôi đã truyền lại cho các em bằng cả tấm lòng.
Chắc hẳn anh vẫn chưa quên tình cảm mà khán giả dành cho mình khi đó?
Thú thật lúc đó mọi người chưa có khái niệm về “thần tượng” đâu, nhất là nghệ sĩ sân khấu. Nhưng vì chúng tôi đã yêu sân khấu nên vẫn thấy hạnh phúc khi diễn và nhìn xuống thấy khán giả. Có những vở diễn chúng tôi mang đi khắp đất nước diễn 3-4 suất một ngày ở các tỉnh.
Tôi nhớ có một đêm diễn “Lời thề thứ 9” tại Nha Trang vào năm 1989. Có hôm diễn, thời tiết khắc nghiệt đến mức bay cả mái tôn, gió đập, mưa bão, mất điện nhưng khán giả vẫn không về và chúng tôi thắp đèn dầu lên diễn tiếp.
Sau buổi diễn kết thúc, các cựu chiến binh mặc quần áo đeo đầy huy chương, huy hiệu vẫn nán lại nắm tay nghệ sĩ chúng tôi. Họ nói tin vào ngày mai, tin vào tương lai đất nước sau khi xem vở kịch này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.