Nghề này tưởng mất đi rồi, ở Hòa Bình đang có những nghệ nhân làm "hồi sinh" giấy dó qua 35 công đoạn

Phạm Hoài – Tuệ Linh Thứ hai, ngày 26/06/2023 18:09 PM (GMT+7)
Ngày nay, sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp đã lấn át đi những trang giấy dó nổi tiếng một thời, nhưng với niềm đam mê và mong muốn gìn giữ, phát triển nghề làm giấy dó của cha ông, những nghệ nhân ở xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang từng bước “hồi sinh” nghề làm giấy dó…
Bình luận 0

Hồi sinh nghề làm giấy dó

Giữa cái nắng "cháy da, cháy thịt" của trưa hè tháng 6, vượt hơn 35km từ TP.Hòa Bình, chúng tôi tìm về xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn – nơi đây còn lưu giữ được nghề làm giấy dó duy nhất ở Hòa Bình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, cũng là nơi sản xuất giấy dó của các thành viên, nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc (SN 1962), tổ trưởng tổ sản xuất giấy dó xóm Suối Cỏ, cho biết: Ở vùng quê này chẳng ai nhớ rõ nghề làm giấy dó hình thành tự bao giờ, chỉ biết nghề này đã có từ rất lâu, các đây hàng trăm năm trước. Giấy dó khi đấy được làm ra chỉ để sử dụng làm đồ thờ cúng và các hoạt động tâm linh của người dân. Sau khi xóm Suối Cỏ bị Pháp xâm lược và đốt phá, nghề làm giấy dó ở đây cũng bị mai một dần.

gop/“Hồi sinh” nghề làm giấy dó - Ảnh 1.

Để làm ra 1 tờ giấy dó, phải trải qua 35 công đoạn và quá trình này có thể mất hơn 1 tuần, có khi mất cả nửa tháng. Ảnh: Phạm Hoài

"Những nghệ nhân chúng tôi luôn đau đáu trong lòng về việc truyền lại nghề làm giấy dó truyền thống của cha ông để lại cho các thế hệ sau, nhưng dưới áp lực về cuộc sống, những thế hệ trẻ giờ đây phải đi làm ở các khu công nghiệp để lo cho kinh tế gia đình, khó để tìm ra người đủ điều kiện và đam mê để nối nghiệp mình".

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc

Năm 2003, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã đến xóm Suối Cỏ để khảo sát nhằm khôi phục lại nghề làm giấy dó ở địa phương. 

Mãi đến năm 2006, dự án mới được triển khai, khi đó, xóm Suối Cỏ có khoảng 6-7 người được cử đi học nghề giấy dó truyền thống ở làng nghề Bắc Ninh với thời gian 1 năm, trong đó, kỹ thuật làm giấy thủ công của Nhật Bản do các chuyên gia đến từ Nhật Bản hướng dẫn.

"Sau khi học xong, những người đi học về sẽ dạy lại cách làm giấy dó cho các thành viên tham gia dự án, khi đó, dự án có khoảng 50 hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là giúp các hộ tham gia có nguồn thu nhập ổn định và có tay nghề để mở xưởng sản xuất nhằm bảo tồn, phát triển nghề giấy dó truyền thống" -nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc nói.

Chia sẻ cho chúng tôi về quy trình làm giấy dó, nghệ nhân Hoàng Thị Hậu (vợ của nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc), thành viên trong tổ sản xuất giấy dó xóm Suối Cỏ cho biết: Nguyên liệu để làm ra giấy dó là từ cây dướng và được lấy cách nhà khoảng 20km. Để làm ra 1 tờ giấy dó, phải trải qua 35 công đoạn và quá trình này có khi mất cả nửa tháng trời.

Cây dướng khi khai thác sẽ để nguyên cả cây mang về, sau đó chặt ra thành từng khúc, cho vào nồi hấp rồi vớt ra và tiến hành bóc vỏ, ngâm, rồi giã bằng chày đến khi vỏ cây thành bột...

"Khâu seo giấy tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng phải khéo léo, kiên trì. Khi seo giấy, hai tay dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên "đòn cách" bằng tre cho nước chảy xuống hết và chỉ còn bột giấy đọng lại trên chiếc liềm seo. Lúc này, trang giấy dó sẽ hiện lên trên chiếc liềm seo. Sau đó, liềm seo sẽ được đặt lên một tấm vải, bóc ra sẽ thành 1 tờ giấy mỏng, màu trắng đục, trong và dai, đó chính là sản phẩm giấy dó", nghệ nhân Hoàng Thị Hậu chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân Hoàng Thị Hậu, cây dướng 3 năm tuổi sẽ cho ra được những trang giấy dó đẹp nhất...

Trăn trở "níu giữ" nghề

Nghệ nhân Nguyễn Xuân Chúc bộc bạch: "Để gìn giữ nghề giấy dó thủ công hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn chính là phải tự tìm kiếm đầu ra cho những trang giấy dó". Nghệ nhân Chúc cho biết: Ban đầu, có hơn 50 hộ tham gia làm giấy dó đến khi dự án kết thúc chỉ còn có 5 hộ vẫn tiếp tục gìn giữ và duy trì nghề làm giấy dó.

Khi dự án kết thúc, tổ sản xuất giấy dó xóm Suối Cỏ vẫn gắng giữ nghề, sản xuất cầm chừng và đưa giấy về Hà Nội để bán. Khoảng năm 2014 -2015, nghệ nhân Chúc đã gặp chị Trần Hồng Nhung - một người tâm huyết với việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc, đã hỗ trợ tổ hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm. Cũng nhờ vị "quý nhân" này, giấy dó của tổ hợp tác ngày càng bán được nhiều hơn cuộc sống của các thành viên tổ hợp tác xóm Suối Cỏ nay đã ổn định.

Theo các thành viên làm nghề giấy dó ở xóm Suối Cỏ, mỗi tờ giấy dó làm ra sẽ được bán với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng, trung bình mỗi tháng, mỗi hộ thu nhập được khoảng 3 triệu đồng. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng góp phần để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Nghệ nhân Bạch Thị Xanh, thành viên tổ sản xuất giấy dó xóm Suối Cỏ trăn trở: "Năm nay, tôi đã hơn 60 tuổi, đã có gần 20 năm gắn bó với nghề, hiện nay, giấy công nghiệp ra nhiều, cho nên nghề giấy dó ở xóm Suối Cỏ đang có nguy cơ bị mai một dần. Do vậy, tôi mong nhà nước, các ban ngành có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề làm giấy dó, tìm đầu ra cho sản phẩm, trước là để người dân sống được bằng nghề, sau là để giữ nghề truyền thống của cha ông đã để lại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem