Ở miền Bắc, tỉnh nào đang đứng top đầu trong xuất khẩu trái cây?
Ở miền Bắc, tỉnh nào đang đứng top đầu trong xuất khẩu trái cây?
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 29/11/2024 19:07 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường, năm 2024, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã thực hiện đúng định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó, Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình nổi lên như những điểm sáng.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), thời gian qua, các địa phương ở khu vực phía Bắc tích cực triển khai chiến lược phát triển ngành trồng trọt cùng các đề án liên quan đến lĩnh vực của ngành nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, từ đó đã hình thành nhiều "vựa" trái cây ở miền Bắc.
Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, tính đến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh là 52.113ha, trong đó cây vải 29.879ha, cây cam 2.848ha, cây bưởi 5.290ha, cây nhãn 3.510ha… Năm 2024, tổng sản lượng vải đã tiêu thụ trên địa bàn tỉnh 97.320 tấn; tổng sản lượng vải xuất khẩu đạt 24.785 tấn.
Giá trị xuất khẩu ngành trồng trọt đạt 28 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp 38.000 tỷ đồng (chiếm 38% tổng thiệt hại chung trong các ngành kinh tế). Riêng trồng trọt, diện tích lúa bị thiệt hại 280.000ha, rau màu 63.000ha, cây ăn quả 39.000ha. Tuy nhiên, ngành trồng trọt đã vượt qua một năm đầy khó khăn khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm của ngành trồng trọt đạt 28 tỷ USD (trong đó rau quả 6 tỷ USD, gạo hơn 5 tỷ USD).
Sơn La đang nổi lên như một "vựa" trái cây, cây công nghiệp lớn ở các tỉnh miền Bắc với diện tích cà phê đạt 22.651ha; chè 5.867ha; tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra ước đạt 83.757ha…
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nông sản của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE... Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của Sơn La tính đến nay ước đạt 124.606 tấn, trong đó xuất khẩu quả các loại 16.572 tấn; sản phẩm rau, quả chế biến xuất khẩu 8.234 tấn; nông sản chế biến và nông sản khác ước đạt 99.800 tấn (cà phê 18.900 tấn, chè 8.900 tấn, tinh bột sắn 63.500 tấn; đường 8.500 tấn)…
Trong năm qua, các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Anh, EU... Theo đó, năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ xuất khẩu được 12 tấn ớt muối chua và 48 tấn mía cấp đông sang thị trường Hàn Quốc; 15 tấn bưởi Điễn niên vụ 2023-2024 và 17 tấn mía cấp đông sang thị trường Mỹ; 1,8 tấn mía cấp đông sang Nhật Bản; hỗ trợ HTX nông sản Phú Cường xuất khẩu 340 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc; xuất khẩu 276 lọ sản phẩm hành tăm muối sang thị trường Anh và EU.
Dự kiến niên vụ bưởi 2024-2025, Hòa Bình sẽ xuất khẩu khoảng 300 tấn bưởi sang các thị trường Anh, EU, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp mới 41 mã số vùng trồng (19 mã số vùng trồng nội địa; 22 mã số vùng trồng xuất khẩu); phối hợp với các huyện tổ chức 8 hội nghị tập huấn các văn bản liên quan lĩnh vực kiểm dịch thực vật nội địa, cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể, duy trì tốt các mã số vùng trồng đã được cấp, đến nay đã có tổng 99 mã số vùng trồng được cấp.
Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất năm 2024 và kế hoạch triển khai sản xuất năm 2025 các tỉnh phía Bắc do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, theo số liệu thống kê, diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả khu vực phía Bắc có xu hướng phát triển theo hướng tỷ lệ nghịch trong 10 năm qua. Cụ thể, diện tích cây ăn quả tăng mạnh, từ 298.800ha (năm 2014) lên 452.200ha (năm 2024), chiếm 35,8% diện tích cây ăn quả cả nước. Trong đó, khu vực tăng mạnh nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đáng chú ý, theo bà Hương, trong một thập kỷ qua đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về diện tích bưởi khu vực phía Bắc từ 16.900ha lên 57.200ha (tăng gần 3,4 lần) tương ứng với 52,5% diện tích bưởi cả nước.
Các tỉnh sản xuất bưởi chủ yếu gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế. Các tỉnh sản xuất cam chủ yếu gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tương tự như cây bưởi, diện tích, năng suất và sản lượng cam của các tỉnh phía Bắc giai đoạn này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.
Trong khi đó, Sơn La hiện là tỉnh sản xuất nhãn lớn nhất, tiếp theo là các tỉnh Hưng Yên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Dương... Năm 2023 diện tích nhãn khu vực phía Bắc đạt 47.700ha (chiếm 58,6% diện tích nhãn cả nước) với năng suất 79,70 tạ/ha cho sản lượng 333.300 tấn.
Để nâng cao hiệu quả các vùng chuyên canh cây ăn trái của các tỉnh phía Bắc, theo bà Hương, các địa phương cần tiếp tục có kế hoạch xây dựng lồng ghép định hướng Chiến lược phát triển trồng trọt trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, xây dựng các chương trình, dự án phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương, tích cực triển khai các đề án đã ban hành đồng thời tham mưu và triển khai các cơ chế chính sách thể thực hiện đề án có hiệu quả, kịp thời đánh giá rút kinh nghiệm thực tiễn của từng địa phương, báo cáo về Bộ NNPTNT công tác xây dựng và ồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ các đề án của Bộ NNPTNT đã ban hành phù hợp với từng nhiệm vụ của địa phương. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt; sản xuất tuần hoàn, sản xuất bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.