Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa là vi phạm, cần điều chỉnh ngay

Hiếu Đam Thứ bảy, ngày 18/07/2020 10:26 AM (GMT+7)
"Việc dán bản đồ Việt Nam trên biển số, trên thân xe mà không thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thiếu sót cần được bổ sung, điều chỉnh ngay và xử lý nghiêm", ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết.
Bình luận 0

Phải xử lý nghiêm

Như Dân Việt đã thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) vừa có văn bản gửi các Bộ: Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, GTVT, về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia.

Qua theo dõi nắm tình hình, Bộ TTTT phát hiện tình trạng có nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân và tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe, nhưng những bản đồ này không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa  là vi phạm - Ảnh 1.

Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa sẽ bị xử lý.

Bộ TTTT cho rằng, các phương tiện giao thông có phạm vi đi lại rộng, tác động thị giác lớn đến người dân và du khách nước ngoài, có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo. Về lâu dài, việc này gây bất lợi trong công tác đấu tranh pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Việc xử lý căn cứ vào Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 72 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; Nghị định số 18 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng không chỉ biển xe mà tất cả những nơi gắn bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều bị xử lý. Đó là ý thức công dân của mỗi người, bất cứ hành vi sản xuất bản đồ không có các đảo, quần đảo của Việt Nam đều là vi phạm.

Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa  là vi phạm - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

"Việc gắn bản đồ lên xe, lên các nơi nhiều quốc gia người ta làm. Những việc này xuất phát từ lòng yêu nước, tuy nhiên cần phải nhất quán", ông Vân cho biết.

Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bất cứ lúc nào chủ quyền quốc gia cũng là thiêng liêng. Với những thời điểm lịch sử quan trọng khi đất nước có chiến tranh hoặc có tranh chấp về lãnh thổ thì vấn đề chủ quyền quốc gia lại được đề cao hơn bao giờ hết.

Là công dân của một quốc gia, được hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước thì trách nhiệm của công dân phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ tổ quốc. 

Bởi vậy, mọi hành vi gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước thì đều là những hành vi trái pháp luật và tùy vào tính chất mức độ của hành vi, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa  là vi phạm - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

"Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của đất nước ta, có rất nhiều chứng cứ pháp lý, khoa học để chứng minh, đối chiếu với Công ước về luật biển 1982 cũng như các văn bản pháp pháp luật, các điều ước quốc tế thì hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Việc đo đạc, in ấn bản đồ, kẻ vẽ, đưa tin những hình ảnh không có hai quần đảo này là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, tùy vào tính chất mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ trước đến nay, nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này và phản đối tất cả những hành động phi pháp như bồi đắp, tập trận, xây dựng, chiếm đóng trái phép hai quần đảo này, dư luận quốc tế cũng đang lên án một số hành động của Trung Quốc do xâm phạm chủ quyền hai quần đảo này của nước ta", luật sư Cường phân tích.

Cũng theo vị luật sư, quy định tại khoản 2, điều 11, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP của Chính phủ 11/2/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ thì hành vi lưu hành, đo đạc bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể hiện chủ quyền lãnh thổ sẽ bị xử phạt đến 40.000.000 đồng. 

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Ôtô dán bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa  là vi phạm - Ảnh 4.

Việc đo đạc, in ấn bản đồ, kẻ vẽ, đưa tin những hình ảnh không có hai quần đảo này là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

"Một số trường hợp muốn gắn hình bản đồ Việt Nam vào xe của mình thể hiện tình cảm yêu nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết về quy định pháp luật liên quan đến bản đồ, cũng như chủ quyền lãnh thổ.

Khi lòng yêu nước không được đặt đúng chỗ hoặc không có hiểu biết đầy đủ thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Bởi vậy khi thực hiện bất cứ một hành vi nào cũng cần phải có những hiểu biết pháp luật và có trách nhiệm đối với hành vi của mình để tránh những hậu quả pháp lý có thể xảy ra", luật sư Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem