Phó Chủ tịch Bình Định: Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu không đảm bảo tỷ lệ giải ngân

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 16/10/2023 14:14 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, lãnh đạo các địa phương nêu cao tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, làm việc cụ thể, thực chất trong giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Bình luận 0

'Cần nêu cao tinh thần làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá'

Ngày 16/10, UBND tỉnh Bình Định vừa có thông báo ý kiến kết luận của ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện, giải ngân các Chương trình MTQG 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV năm 2023.

Ông Tuấn Thanh yêu cầu, phải dành thời gian, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến các Chương trình MTQG đã được UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc tại nhiều văn bản trước đây.

Trong đó, tổ chức đẩy nhanh tiến độ thực hiện cụ thể từng chương trình, dự án, tiểu dự án, ưu tiên cao nhất là giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Tỉnh đối ứng (bao gồm vốn đầu tư và sự nghiệp) theo kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài và năm 2023.

"Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh, nếu không đảm bảo tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch đề ra. Phải xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại đơn vị, thủ trưởng đơn vị trong năm 2023", ông Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Cần nêu cao tinh thần làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, Trưởng ban Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: DT.

Vẫn theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, để phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương thụ hưởng Chương trình MTQG, định kỳ sáng thứ 5 hàng tuần xây dựng báo cáo ngắn gọn kết quả tiến độ thực hiện, giải ngân từng công trình, dự án, tiểu dự án, nhiệm vụ được giao liên quan đến các Chương trình MTQG, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (trong buổi sáng thứ 6) theo dõi, chỉ đạo.

Ngoài ra, khẩn trương xây dựng Bảng cam kết thực hiện và giải ngân các Chương trình MTQG của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Kế hoạch chi tiết, tiến độ thực hiện từng dự án, tiểu dự án thành phần, các công trình, dự án được giao năm 2023.

Chủ động cập nhật các quy định, chính sách, các Văn bản hướng dẫn mới của Bộ, ngành Trung ương (kể cả nghiên cứu, vận dụng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế địa phương) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần.

Nhất là các nội dung dự án, tiểu dự án liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, giải quyết sinh kế cho người dân, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị...

Đảm bảo giải ngân hết các nguồn vốn đã giao trong kế hoạch, trường hợp cần thiết (sau khi rà soát kỹ) báo cáo, đề xuất điều chuyển vốn, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Phải làm việc cụ thể, thực chất

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư cần quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư các Chương trình MTQG.

Trong đó, đối với các công trình, dự án dự kiến hoàn thành năm 2023, tập trung tối đa nguồn lực, thời gian đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tổ chức nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn đầu tư công ngay khi có khối lượng.

Đối với các dự án khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng. Đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ; thường xuyên rà soát, kịp thời báo cáo, đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc để các cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay.

Lãnh đạo các địa phương phải nêu cao tinh thần "làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá". "Làm việc cụ thể, thực chất, chủ động đến cơ sở, cấp xã nắm bắt tình hình triển khai từng nội dung, chương trình, dự án, để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các địa phương cơ sở triển khai kịp thời, hiệu quả các Chương trình MTQG, góp phần nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn", ông Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Bình Định: 'Cần nêu cao tinh thần làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá' - Ảnh 2.

Bình Định đang đẩy nhanh giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: DT.

Những Tổ công tác của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, phải cử cán bộ, công chức có năng lực để bám sát từng địa bàn, địa phương; tập trung kiểm tra công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn năm 2023, giai đoạn 2024 – 2025.

Giám sát việc thực hiện các giải pháp cụ thể để giải ngân các nguồn vốn các chương trình; hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng chương trình, dự án cụ thể. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời tham mưu đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cũng giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, làm đầu mối chủ trì, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chuyển vốn giữa các công trình, dự án thuộc các Chương trình MTQG, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, giải ngân kế hoạch vốn các Chương trình MTQG năm 2022 kéo dài và vốn năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem