Phó TGĐ Võ Quang Huệ: Hé lộ ngày nhà máy VinFast chính thức hoạt động

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 02/05/2019 18:30 PM (GMT+7)
Theo ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, ngày 14.6 tới, Vingroup sẽ chính thức đưa nhà máy sản xuất ô tô VinFast đi vào hoạt động chính thức - đánh dấu kỷ lục 21 tháng từ lúc khởi công tới khi đi vào hoạt động.
Bình luận 0

img

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast

5 hiến kế phát triển kinh tế tư nhân của VinFast

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast, cho biết, các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thực sản xuất hiện đại.

Theo ông Võ Quang Huệ, Vingroup đang thay đổi toàn diện với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại đẳng cấp quốc tế. Bước đi đầu tiên là xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng ứng dụng công nghệ 4.0. Vào ngày 14.6 tới, Vingroup sẽ chính thức đưa nhà máy sản xuất ô tô VinFast đi vào hoạt động chính thức. Với kỷ lục 21 tháng từ lúc khởi công và đi vào hoạt động, VinFast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

img

Một góc bên trong nhà máy VinFast

Bên cạnh đó, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh...

"Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cũng được chú trọng bằng việc thành lập trung tâm đào tạo VinFast, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc", ông Huệ nói.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diện Tập đoàn Vingroup đã đề xuất ý kiến nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển. Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều.

Thứ tư, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Cần bảo vệ DN làm ăn chân chính như tài sản quốc gia

Là người mở đầu phần Hiến kế của các khu vực kinh tế tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so sánh, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, nắm vai trò chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nông nghiệp với năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn.

Theo dự báo của ông Lộc, trong tương lai, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp từ 60-65% GDP. Từ đây, ông Lộc đề nghị khẳng định vai trò giường cột của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nền kinh tế thị trường.

“Thay vì phát triển về số lượng, cần nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Để làm được điều đó, cải cách thể chế phải đóng vai trò nền tảng. Trọng tâm của cải cách thể chế phải chuyển từ tháo gỡ khó khăn sang yểm trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân nói chung. Phải cố gắng đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra là trở thành một trong số 4 nền kinh tế có sức cạnh tranh về thể chế hàng đầu vào năm 2020”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Một đề xuất khác được ông Lộc gửi tới Chính phủ là sửa đổi Luật Doanh nghiệp với hai nội dung căn bản: Đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ đồng thời xác lập khung khổ pháp lý cho khu vực hộ kinh doanh cá thể có đăng ký. Đồng thời, khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Phải lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh gíá mức độ hoàn thành công việc của công chức, thúc đẩy thực thi nhiệm vụ của cácn bộ, công chức.

Chúng tôi cũng đề nghị bảo vệ các DN làm ăn chân chính như bảo vệ tài sản quốc gia. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, giải quyết các vụ tranh chấp kinh doanh nhanh, gọn, minh bạch, hiệu quả”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem