Phó Thủ tướng chỉ đạo "khẩn" với Bộ Công Thương về xăng dầu

P.V Thứ tư, ngày 12/10/2022 20:34 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Bình luận 0
Phó Thủ tướng chỉ đạo "khẩn" với Bộ Công Thương về xăng dầu - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên như hiện nay, các Bộ: Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Theo báo cáo của Bộ Công Thương có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu: Chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/ 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10 năm 2022.

Lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa

Bộ Công Thương cho biết, lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...

Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Thông tin thêm về tình hình thị trường xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, cho biết nguyên nhân chính của hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. 

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem