Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2020 chắc chắn sẽ sụt giảm khi làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Việc đẩy mạnh các giải pháp giao dịch trực tuyến để chạy đua giữ khách hàng, kéo giảm sự sụt giảm lợi nhuận... trong những tháng cuối năm và cả năm 2020 đang được các ngân hàng ưu tiên.
Đẩy mạnh giao dịch không tiền mặt
Mới nhất, Sacombank đã hợp tác với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM triển khai việc đóng học phí không dùng tiền mặt, gồm 8 kênh thanh toán và miễn phí giao dịch. Đây là một trong những ngân hàng tích cực nhất trong việc đẩy mạnh xu hướng giao dịch không tiền mặt ngay cả trước và sau khi đại dịch Covid-19, với nhiều chương trình ưu đãi như: hoàn tiền khi mua tour du lịch, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, miễn phí trả góp khi mua tour du lịch hoặc mua sắm tại các điểm doanh nghiệp liên kết khi thanh toán không tiếp xúc; khách hàng mở mới thẻ thanh toán Sacombank Visa sẽ được hoàn tiền 10%, khách hàng đang sử dụng thẻ sẽ được hoàn tiền 1%... Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng với các phương thức thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua thiết bị di động vừa chống dịch Covid-19 vừa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ về thanh toán không tiền mặt.
Nhiều ngân hàng khác như Kienlong Bank, HDBank, Eximbank… cũng đẩy mạnh hoạt động không dùng tiền mặt bằng việc giảm phí, tăng khuyến mãi để kích cầu.
HDBank có chương trình miễn giảm nhiều khoản phí, gồm: phí quản lý tài khoản, phí dịch vụ internet banking, mobile banking, phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí thường niên, phí rút tiền ATM, phí SMS cho khách hàng mở tài khoản… Vietcombank vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng số - VCB Digibank dựa trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến. Với VCB Digibank, khách hàng trải nghiệm những dịch vụ: chuyển tiền nhanh 24/7, đặt lịch chuyển tiền, tiết kiệm online; thanh toán hóa đơn điện - nước - viễn thông - y tế - giáo dục…, dịch vụ hành chính công, hóa đơn tự động, đặt vé máy bay, khách sạn, mua sắm trực tuyến…
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (NAPAS), tính riêng trong tháng 6, tổng số lượng giao dịch không tiền mặt qua hệ thống NAPAS tăng 134,8% và tổng giá trị giao dịch tăng 140,6% so với cùng kỳ 2019. Riêng thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ; tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa cũng tăng hơn 600% so cùng kỳ.
"Chạy đua" mở tài khoản từ xa cho khách
Ngoài việc đẩy mạnh các dịch vụ, giảm phí, tăng khuyến mãi để kích cầu…, khi dịch Covid-19 tái phát, một số ngân hàng thương mại đã triển khai ứng dụng cho phép khách hàng định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa.
HDBank vừa triển khai eKYC trên ứng dụng mobile banking hỗ trợ khách hàng giao dịch trực tuyến nhanh chóng. Khi tải ứng dụng mobile banking của HDBank, khách hàng mở tài khoản iMoney và eKYC với vài thao tác. Ứng dụng sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (CMND hoặc căn cước công dân còn hạn) so với hình chụp để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến trên nền tảng mobile banking.
VPBank đã áp dụng giải pháp eKYC cho phép định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học mà không cần gặp mặt trực tiếp. Khách hàng được mở tài khoản online để thực hiện các giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử… với hạn mức nộp tiền tối đa 10 triệu đồng/ngày.
Việc các ngân hàng triển khai định danh, xác thực qua eKYC là một trong các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, phòng chống dịch Covid-19. "Giải pháp eKYC sẽ tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, thúc đẩy tăng trưởng khách hàng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trở lại, việc khuyến khích mở tài khoản từ xa và thanh toán trực tuyến góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm và chung tay phòng chống dịch Covid-19", đại diện HDBank chia sẻ.
(Theo nguồn Thế Giới Tiếp Thị)