LTS: Ngày 24/12/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Đây là chủ trương lớn, có ý nghĩa nhằm tổ chức hợp lý, tinh gọn, hiệu quả đơn vị hành chính các cấp… Tuy nhiên, việc sáp nhập ở một vài địa phương mới chỉ tập trung chú ý đến sắp xếp đơn vị hành chính, nhân sự, còn hàng loạt trụ sở, công sản tiền tỷ ở đơn vị bị sáp nhập đang rơi vào tình trạng bỏ không, lãng phí lớn.
Nơi trang trọng thành chợ cá
Thị trấn Hùng Quốc, huyện Trùng Khánh (trước đây thị trấn Hùng Quốc thuộc huyện Trà Lĩnh) nơi có cửa khẩu Trà Lĩnh nổi tiếng, nhiều năm qua nhộn nhịp cảnh buôn bán, giao dịch các mặt hàng nông sản qua biên giới.
Gần đây, sự ồn ào náo nhiệt nơi này đã đột ngột trở nên hiu hắt lạ thường. Bởi, huyện Trà Lĩnh đã sáp nhập vào huyện Trùng Khánh thành huyện Trùng Khánh (tên huyện Trà Lĩnh không còn). Cán bộ chính quyền cấp huyện ở Trà Lĩnh (cũ) đã chuyển sang huyện Trùng Khánh làm việc.
Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao về quy mô dân số là có từ 80.000 người trở lên; diện tích tự nhiên huyện miền núi, vùng cao từ 850km2 trở lên; số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 16 đơn vị trở lên (có ít nhất 1 thị trấn).
Chúng tôi đứng trước nơi từng là trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Trà Lĩnh. Ở khu cổng chính, cánh cửa điện làm bằng inox vốn trang trọng và đắt đỏ nay im lìm mốc thếch. Bên ngoài hàng chục tiểu thương chiếm dụng mặt bằng làm nơi bán thịt, rau, cá...
Tấm biển ghi trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Trà Lĩnh bịt kín bởi thùng xốp, đồ dùng, bên trong cổng, nhiều xe ôtô người dân gửi nhờ. "Chỗ này để không khoảng năm nay rồi, giờ chúng tôi bán hàng ở đây" - một tiểu thương nói.
Chúng tôi dạo một vòng quanh các tòa ngang, dãy dọc của UBND huyện Trà Lĩnh (cũ), hầu hết các phòng đều khóa cửa, một số cửa kính bị vỡ tan hoang... Bên trong phòng làm việc trước đây vẫn còn vương lại giấy tờ, cấu kiện máy tính cũ, giường ngủ các loại… Bên ngoài hành lang bụi phủ thê lương. Chưa hết, do bỏ không một thời gian dài không được quản lý, nơi đây đã trở thành nơi "làm việc" của các đối tượng nghiện ma túy.
Chúng tôi ghi lại hình ảnh, rất nhiều bơm kim tiêm còn dính máu được vứt ở hành lang tầng 2 một số dãy nhà, bất giác ai nấy rùng mình. Bao năm qua, đường gần nhất nối UBND huyện Trùng Khánh và UBND huyện Trà Lĩnh khoảng 30km nhưng di chuyển vất vả. Đường dễ đi hơn phải di chuyển qua huyện Quảng Hòa với khoảng cách khoảng là 60km. Vì thế, sau sáp nhập, giờ đây người dân huyện Trà Lĩnh (cũ) đi đến trung tâm huyện sẽ khó khăn vất vả hơn, chưa kể đồng bào ở vùng sâu, vùng xa khi "có việc" sẽ phải khăn gói vượt chặng đường xa xôi hơn rất nhiều.
Vừa xây xong đã… bỏ hoang!
Ngoài huyện Trà Lĩnh sáp nhập vào huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành sáp nhập huyện Thông Nông và huyện Hà Quảng; huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hòa (thành huyện Quảng Hòa).
Tại huyện Quảng Hòa, sau khi sáp nhập các cơ quan hành chính của huyện đã chuyển đến làm việc tại trụ sở huyện Quảng Uyên cũ.
Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Phục Hòa cũ gần như bỏ không, chỉ một số phòng làm việc của UBND huyện được cán bộ UBND thị trấn Hòa Thuận chuyển đến.
Còn trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND thị trấn Hòa Thuận trước đó lại bỏ không. Một loạt các trụ sở cơ quan chức năng khác cũng trong tình trạng tương tự như Chi cục Thống kê huyện Phục Hòa, Kho bạc Nhà nước huyện Phục Hòa…
Một cán bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Quảng Hòa thông tin: "Hiện trên địa bàn huyện có gần 200 cơ sở như các phòng, ban thuộc huyện, UBND xã, trường học… cần có kế hoạch sử dụng để tránh lãng phí".
Ngược về miền Tây của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm TP.Cao Bằng 40km, huyện Thông Nông đã được sáp nhập vào huyện Hà Quảng. Trụ sở UBND huyện Thông Nông sau sáp nhập hiện đang được Đảng ủy - HĐND - UBND thị trấn Thông Nông sử dụng một phần của tòa nhà 3 tầng. Trụ sở cũ của UBND thị trấn được giao cho Công an thị trấn Thông Nông làm việc.
Không chỉ các trụ sở, phòng, ban chức năng ở cấp huyện bị bỏ không lãng phí. Ở cấp xã, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhiều trụ sở và nơi làm việc cũng đang để không, hoặc sử dụng không hết giá trị của chúng, như tại xã Bế Triều, huyện Hòa An (đơn vị vừa sáp nhập vào thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An).
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Bế Cao Kiên - Chánh Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng cho biết: "Trước khi thực hiện đề án sáp nhập, UBND tỉnh có đến tỉnh Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm. Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện nên còn gặp nhiều khó khăn". Còn ông Bế Ngọc Duy - Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng), người trực tiếp tham gia thực hiện đề án cho biết: "Tỉnh thực hiện chủ trương của Trung ương, chúng tôi thấy, theo tiêu chuẩn về quy mô diện tích và dân số thì một số huyện và một số xã trên địa bàn vẫn chưa đạt. Các huyện, xã không đạt các chỉ tiêu kia, chúng tôi sáp nhập hết, để chúng đạt quy mô diện tích và dân số như Trung ương quy định. Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều nơi vẫn… không đạt".
"Có một số xã, ngày xưa tách ra giờ lại sáp nhập vào. Ngày xưa hai huyện Thông Nông và Hà Quảng là một huyện, Quảng Uyên và Phục Hòa cũng là một huyện, sau đó tách ra đến vừa rồi lại nhập vào" - ông Duy nói.
Để tìm hiểu rõ thông tin, ngày 19/4/2021, sau khi đi thực tế, nhóm phóng viên đã đến UBND tỉnh Cao Bằng đặt lịch làm việc, sau đó gửi câu hỏi trao đổi với ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy vậy, đến nay nhóm phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Cao Bằng, dù đã nhiều lần liên hệ với người tiếp nhận giấy giới thiệu và nội dung trao đổi.
(Còn nữa)