Dân Việt

Bình Định: Lạ đời, vì sao nông dân ở đây rủ nhau nuôi heo trên gác lửng?

Diệp Thị Diệu 19/07/2021 19:00 GMT+7
Thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) có hơn 110 hộ chuyên chăn nuôi heo với đàn heo khoảng hơn 2.000 con. Tuy nhiên, do nằm ở đầu nguồn sông An Lão, địa hình thấp trũng nên cứ vào mùa mưa lũ, hoạt động chăn nuôi gặp khó khăn.

Gần đây với sự hỗ trợ của địa phương về kỹ thuật và vốn, bà con đã thực hiện mô hình “Nuôi heo trên gác lửng” rất hiệu quả.

Chị Trần Thị Liên ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) cho biết gia đình chị thường nuôi 3 - 4 con heo nái, hơn 10 con heo thịt, mỗi khi lũ lụt, riêng chuyện đưa heo đến nơi cao ráo không cũng đủ mệt.

Bình Định: Lạ đời, vì sao nông dân ở đây rủ nhau nuôi heo trên gác lửng? - Ảnh 1.

Hệ thống cầu thang trong chuồng để heo lên gác tránh lửng để tránh lũ ở thôn Vạn Khánh, xã Hòa An, huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Ảnh: DTD

Năm ngoái, được địa phương hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng không tính lãi, gia đình đầu tư thêm tiền, xây lại hệ thống chuồng trại có gác lửng để đàn heo né lũ. 

“Mùa mưa vừa rồi, nhà tôi không cần chuyển đàn heo đi đâu hết, nước vừa dâng lên, mình mở cửa là heo đã theo cầu thang lên gác rồi. Đến mùa khô gác lửng làm chỗ chứa thức ăn, kho dụng cụ. Ước tính với gác lửng này gia đình tôi tăng thu nhập thêm khoảng 50 triệu đồng...”, chị Liên chia sẻ.

Tương tự gia đình chị Liên là hộ ông Phan Thanh Hải, cũng ở thôn Vạn Khánh thường xuyên nuôi hơn 40 con heo cũng được hỗ trợ về kỹ thuật từ Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông làm hệ thống chuồng trại mới thuận lợi cho việc c hăn nuôi.

Ông Trần Văn Mót - Chi hội trưởng Nông dân thôn Vạn Khánh cho biết, toàn thôn có hơn 20 hộ đã thực hiện mô hình “Nuôi heo trên gác lửng”, khắc phục được khó khăn trong mùa mưa lụt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.