Cuối tháng 8/2019, các nhà khảo cổ Trung Quốc thông báo tìm thấy ngôi mộ cổ thời nhà Đường và chủ nhân ngôi mộ được xác định có mối liên hệ với Võ Tắc Thiên – nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, đó không ai khác chính là Tiết Thiệu, người chồng đầu tiên của Thái Bình công chúa.
Trong quá trình khai quật ngôi mộ từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019, các nhà nghiên cứu đến từ Viện khảo cổ tỉnh Thiểm Tây đã tìm thấy tổng cộng 120 cổ vật, phần lớn là tượng gốm sơn màu. Ngôi mộ ước tính niên đại năm 706, có bản khắc chữ về tiểu sử của Tiết Thiệu. Bản khắc chữ còn nguyên vẹn bao gồm 600 chữ in phiến đá vuông mỗi cạnh dài 73cm, ghi chép về dòng dõi, chức quan, nguyên nhân qua đời, thời gian hạ táng, con cái của Tiết Thiệu...
Theo sử sách Trung Quốc, Tiết Thiệu nổi tiếng là tuấn tú, tài hoa, hơn nữa lại là con trai của chị Đường Cao Tông, cho nên xuất thân cũng được xem là danh giá. Đích thân Đường Cao Tông Lý Trị và hoàng hậu Võ Tắc Thiên chọn Tiết Thiệu làm chồng của Thái Bình công chúa. Hôn lễ của Thái Bình công chúa và phò mã họ Tiết tổ chức vào năm 861 và được cử hành hết sức xa hoa, long trọng. Năm đó, Thiên hoàng ra quyết định vì cử hành đại hôn của bà mà đặc xá thiên hạ.
Trong gia đình họ Tiết, người anh cả Tiết Di có phu nhân là Tiêu thị, cùng với phu nhân của người anh trai khác Tiết Tự là Chương thị đều xuất thân bình dân, khiến Võ hậu có ý khinh thường, bà thường hay nói: "Con gái ta sao có thể là chị em dâu với hạng dân đen?". Về sau, có người nói Tiêu thị là hậu duệ của danh thần Tiêu Vũ, Võ hậu mới bớt khắt khe đi. Chung sống cực kỳ hạnh phúc với Tiết Thiệu, Thái Bình sinh ra 2 người con trai là Tiết Sùng Huấn và Tiết Sùng Giản.
Năm 683, Đường Cao Tông qua đời, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng thái hậu, nắm hết mọi quyền lực trong triều, và có mưu đồ soán ngôi, xưng nữ hoàng đế. Năm Thùy Củng thứ 4 (688), Việt Kính vương Lý Trinh - con trai thứ 8 của Đường Thái Tông - cùng con trai là Lang Nha vương Lý Xung nổi dậy chống lại Võ hậu và thất bại. Hai anh trai của phò mã Tiết Thiệu là Tiết Di và Tiết Tự bị nghi là có liên quan tới Lý Xung và đều bị bắt, Tiết Thiệu cũng bị liên can.
Tiết Di và Tiết Tự bị chặt đầu còn Tiết Thiệu bị đánh 100 roi và bỏ chết đói trong ngục. Khi đó, Thái Bình đang mang thai và đã sinh ra một con gái, sau này được phong làm Vạn Tuyền huyện chúa. Võ hậu nhằm an ủi con gái, đã phá lệ cấp thực ấp cho công chúa nhiều hơn bình thường, trên cả vạn hộ, nhưng tình cảm của công chúa dành cho mẹ bắt đầu lung lay. Võ hậu định gả Thái Bình cho cháu mình là Ngụy vương Võ Thừa Tự, nhưng do Võ Thừa Tự có bệnh nên cuộc hôn nhân này phải hủy (có thuyết cho rằng Thái Bình thương nhớ Tiết Phò mã nên từ hôn Võ Thừa Tự).
17 năm sau, khi Võ Tắc Thiên qua đời, Tiết Thiệu mới chính thức được khôi phục tước vị và được hai con trai đem chôn cất lại trong ngôi mộ tồn tại đến ngày nay.
Tiết Thiệu có với Thái Bình công chúa 4 người con. Một người con gái về sau được phong Vạn Tuyền Huyện chúa. Một người con trai có tên là Tiết Sùng Giản. Theo văn bia mộ của Vạn Tuyền Huyện chúa, quan chức của Tiết Thiệu là Tán kỵ thường thị, Hữu vũ vệ tướng quân, tước phong Bình Dương huyện tử. Theo văn bia mộ của Tiết Sùng Giản thì quan chức của Tiết Thiệu là Thái thường khanh, Tả thiên ngưu tướng quân.