Anh Đỗ Văn Hưng, ở thôn Xuân Thành, xã Đức Minh (Đắk Mil), có 3 ha cà phê. Ngay sau Tết Nguyên đán, gia đình anh phải vận hành máy bơm để tưới cho cà phê.
Rẫy của anh Hưng cách hồ nước hơn 4 cuộn ống tưới. Anh phải sử dụng máy bơm công suất 24 ngựa để tưới cho vườn cây. Loại máy bơm này anh dùng đã lâu, nên mỗi giờ vận hành tiêu hao hết gần 3 lít dầu.
Anh Hưng cho biết, đợt tưới nước này, anh mua 150 lít dầu, chi phí hết 3 triệu đồng, cao hơn mùa tưới năm ngoái khá nhiều. Anh vẫn duy trì tưới bét 5 giờ/ca. "Tôi phải cắt giảm nhân công, giảm lượng phân bón mùa khô để có thể duy trì tưới nước cho cà phê", anh Hưng chia sẻ.
Những ngày này, tại cửa hàng xăng dầu 46 Petrolimex, trên tỉnh lộ 3, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), lượng người đến mua xăng, dầu khá đông. Anh Nguyễn Văn Cường, ở thôn Xuân Tình 1, xã Đắk Sắk vừa mua 400 lít dầu với số tiền hơn 7 triệu đồng.
Anh Cường cho biết, đang chuẩn bị dầu để vận hành máy tưới cho 5 ha cà phê. Anh sử dụng máy bơm công suất 24 ngựa, mỗi giờ vận hành hết 2,4 - 2,6 lít dầu. Anh Cường tưới bằng bét để giảm tiền thuê nhân công, bù cho chi phí nhiên liệu tăng cao.
Anh Cường cho biết: "Giá xăng dầu tiếp tục tăng thì gánh nặng mà người trồng cà phê phải chịu cũng tăng theo. Trong khi chưa biết mùa thu hoạch tới giá cà phê sẽ như thế nào".
Nông dân thêm gánh nặng khi giá dầu tăng cao trong giai đoạn tập trung tưới nước cho cà phê
Vừa thanh toán gần 10 triệu đồng tiền mua 500 lít dầu chuẩn bị tưới cà phê, anh Hà Văn Thành, ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn lo lắng không biết giá xăng có còn tăng nữa không.
Anh Thành cho biết: "Giá xăng dầu tăng thì mọi chi phí khác sẽ tăng theo, trong đó có cả chi phí đầu tư. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân lại càng khó khăn hơn".
Theo chủ đại lý xăng dầu Phúc Khánh, trên tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Đức Minh (Đắk Mil), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mỗi ngày đại lý bán ra từ 6.000 - 7.000 lít dầu, cao hơn thời điểm trước Tết rất nhiều. Bởi vì, đây là thời điểm người dân bắt đầu sử dụng dầu để vận hành máy bơm tưới nước cho cà phê.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, giá xăng dầu tăng khiến chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp tăng cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nông dân, nhất là những người trồng cà phê và cây lâu năm.
Cây trồng không thể thiếu nước tưới, nên ngành Nông nghiệp đang triển khai một số biện pháp để hỗ trợ nông dân. Trong đó, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng công nghệ cao trong tưới nước để giảm chi phí nhiên liệu, thuê nhân công.
Bà con nông dân cần tích cực chăm sóc cây trồng, cắt tỉa cành, tạo tán phù hợp để cây phát triển tốt, cần ít nước tưới hơn. Về phân bón, bà con cố gắng tận dụng tối đa các phế phẩm nông nghiệp để chế tạo phân hữu cơ bón cho cây trồng, giảm chi phí mua phân hóa học...
Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng xăng, dầu. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 sẽ tăng thêm 976 đồng, lên mức 24.571 đồng; xăng A95 tăng 962 đồng/lít, lên mức 25.322 đồng.
Giá dầu Diesel cũng tăng 962 đồng/lít, lên mức 19.865 đồng/lít; dầu hỏa tăng 958 đồng/lít, lên mức 18.751 đồng/lít; dầu Mazut tăng 666 đồng/kg, lên mức 17.659 đồng/kg.
Ðây là đợt tăng thứ ba liên tiếp và là đợt tăng mạnh nhất của giá xăng, dầu từ đầu năm 2022 đến nay. Mức giá xăng, dầu hiện nay cũng cao nhất kể từ tháng 8/2014.