Công chúa Alexandra Amelie (1826-1875), con Vua Ludwig I của Vương quốc Bavaria (quốc gia ở Trung Âu tồn tại năm 1805-1918, Bavaria hiện là bang lớn nhất của nước Đức) luôn đi qua hành lang cung điện một cách dè dặt, nhón chân nhẹ nhàng và cẩn thận không để thứ gì chạm vào người.
Alexandra, khi đó 23 tuổi, giải thích rằng cô vừa phát hiện ra một điều đáng chú ý. Khi còn nhỏ, cô đã nuốt một cây đàn piano cỡ lớn làm hoàn toàn bằng thủy tinh. Hiện giờ, nó vẫn nằm nguyên vẹn trong người cô và sẽ vỡ tan tành nếu cô chuyển động đột ngột.
Suy nghĩ kỳ quặc của Công chúa Alexandra không phải là điều hiếm lạ. Thực tế, nhiều thành viên hoàng gia, quý tộc và học giả châu Âu tin rằng toàn bộ hoặc một phần cơ thể họ được làm bằng thủy tinh. Chứng rối loạn tâm lý có tên "hoang tưởng thủy tinh" lần đầu tiên được ghi nhận vào thời Trung cổ và sau đó trở nên phổ biến trước khi gần như biến mất vào cuối thế kỷ 19.
Một trong những người đầu tiên được ghi nhận mắc chứng hoang tưởng này là Vua Pháp Charles VI (1368 - 1422), lên ngôi khi 11 tuổi. Ông đã dẫn đầu các nỗ lực cải cách đất nước sau khi xử lý một số quan nhiếp chính tham nhũng và được gọi là Charles "đáng kính". Nhưng từ năm 1392, ông bắt đầu bị rối loạn tâm thần, dẫn đến những hành vi bạo lực và lập dị trong phần đời còn lại, khiến ông được đặt biệt danh Charles "điên loạn".
Nhà vua tin rằng cơ thể của mình được làm hoàn toàn bằng thủy tinh. Để giữ cho bản thân không bị vỡ vụn, Charles thường nằm bất động suốt nhiều giờ, bọc mình trong đống chăn dày. Khi phải di chuyển, ông mặc bộ quần áo đặc biệt chắc chắn để bảo vệ các cơ quan nội tạng "thủy tinh" của mình.
Hai thầy thuốc nổi tiếng vào thế kỷ 16 là Alfonso Ponce de Santa Cruz và Andre du Laurens từng kể câu chuyện về một nhà quý tộc giấu tên luôn nằm trên giường rơm vì tin rằng mình là bình thủy tinh. Để chữa bệnh, thầy thuốc của nhà quý tộc đốt giường rơm và nhốt ông trong phòng.
Khi nhà quý tộc đập cửa cầu xin sự giúp đỡ, thầy thuốc hỏi tại sao ông không bị vỡ vụn dù đã đập mạnh vào cửa. Nhà quý tộc trả lời: "Tôi cầu xin anh. Tôi không nghĩ tôi là một cái bình thủy tinh mà là người khốn khổ nhất, nếu anh định để ngọn lửa này kết liễu mạng tôi".
Một số người tin rằng họ sở hữu trái tim, bàn chân và đầu bằng thủy tinh hay tin rằng họ thực chất là bình thủy tinh. Nhiều người đàn ông tin rằng mông của họ làm bằng thủy tinh và nó sẽ vỡ tan nếu họ ngồi xuống mà không có một chiếc gối buộc sẵn vào lưng. Nicole du Plessis, họ hàng của Hồng y Richelieu (một trong những chính trị gia lỗi lạc nhất của Pháp), mắc chứng hoang tưởng này. Một người đàn ông khác có niềm tin tương tự từng bị thầy thuốc đánh với hy vọng anh ta cảm nhận được đau đớn và nhận ra đó là da thịt của mình chứ không phải thủy tinh.
Nhiều người mắc chứng hoang tưởng này như Công chúa Alexandra và Vua Charles VI được coi là những người có trí tuệ xuất chúng. Các học giả thời thế kỷ 16 cho rằng đó là bệnh u sầu, loại trầm cảm mà giới quý tộc và thiên tài thường mắc phải. Các nhà tâm lý học suy đoán rằng việc tưởng tượng mình là thủy tinh có thể là cách thể hiện sự yếu đuối, mức độ dễ bị tổn thương mà họ cảm thấy trong cuộc sống. Họ có thể muốn thể hiện sự nhạy cảm và mong muốn được ở một mình.
Vào thời xưa, thủy tinh là mặt hàng quý, chủ yếu được sử dụng trong các cung điện hoàng gia, nhà thờ và các tòa nhà chính phủ. Theo giáo sư Edward Shorter, nhà sử học về tâm thần học tại Đại học Toronto, con người thường có xu hướng bị ám ảnh với vật liệu mới. Trước khi có xu hướng hoang tưởng về thủy tinh, từng có những trường hợp tin rằng cơ thể họ được cấu thành từ đất nung và vào thế kỷ 19, một số người tin rằng cơ thể của họ được làm từ vật liệu bắt đầu trở nên phổ biến thời đó là bê tông. Vào thời hiện đại, một số người có ám ảnh liên quan đến công nghệ như tin rằng chính phủ đã đặt vi mạch trong não họ hoặc có một máy tính liên tục theo dõi họ.
Trong trường hợp của Công chúa Alexandra, trước khi tin rằng mình đã nuốt cây đàn thủy tinh, cô có các triệu chứng mà ngày nay được coi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): cô ám ảnh về sự sạch sẽ đến mức chỉ mặc trang phục màu trắng. Hoang tưởng về cây đàn piano thủy tinh xuất hiện sau khi cha cô, Vua Ludwig I, ban tặng danh hiệu và của cải cho tình nhân của ông là nữ diễn viên kiêm vũ công Lola Montez. Đó là quãng thời gian rất căng thẳng cho Công chúa Alexandra, đứa con duy nhất của ông vẫn sống trong cung điện vì chưa lập gia đình.
Không rõ Công chúa có được chữa khỏi chứng hoang tưởng không. Cô không kết hôn suốt quãng đời còn lại. Vào những năm 1850, Hoàng tử Pháp Louis Lucien Bonaparte (cháu của Napoleon) từng cầu hôn Công chúa Alexandra nhưng hoàng cung Bavaria từ chối với lý do Hoàng tử đã có một đời vợ và tình trạng sức khỏe tế nhị của Công chúa.
Từ năm 1852, Alexandra bắt đầu sự nghiệp văn chương. Công chúa viết một số cuốn sách và quyên góp lợi nhuận cho trại trẻ mồ côi. Cô cũng làm dịch giả, dịch một số tác phẩm và kịch thiếu nhi từ tiếng Pháp sang tiếng Đức. Công chúa qua đời vào năm 1875 ở tuổi 49 tại Schloss Nymphenburg.