Dân Việt

Chất rơm la liệt ngoài đồng, nông dân An Giang hái thứ "rau ngọt" gì mà bán chạy như tôm tươi?

Ánh Nguyên 17/08/2022 06:11 GMT+7
Ra đời từ nhu cầu cần lao động tham gia vào mô hình trồng nấm rơm, nhờ vậy mà nghề chất rơm làm nấm đã trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho nhiều lao động ở các địa phương trong tỉnh An Giang.

Nghề chất rơm trồng nấm ở An Giang, phơi nắng mới "ăn tiền"

Trước đây, công việc chất rơm làm nấm chỉ được làm thời vụ sau mỗi mùa thu hoạch lúa. Ở những nền đất sạch, tận dụng lượng rơm rạ sau thu hoạch, nông dân thuê thêm nhân công ủ rơm, chất rơm làm nấm, sau hơn 1 tháng là có thể thu hoạch vụ nấm mới. 

Thời gian đầu, chỉ vài nhân công tham gia làm riêng lẻ. Nhưng đến khi mô hình trồng nấm rơm phát triển nở rộ, nhu cầu về lao động để phục vụ công việc này nhiều hơn, ở một số địa phương còn lập ra các đội nhân công chuyên làm nghề chất rơm. Do có rất nhiều công đoạn cần thực hiện nên nghề chất rơm làm nấm thu hút đông lao động tham gia, từ cánh đàn ông đến các chị phụ nữ, ai cũng có thể làm được. Tùy theo tính chất của từng công đoạn, mỗi đội sẽ nhận công việc tương ứng.

Chẳng hạn như công đoạn ủ rơm, chất dòng rơm… công việc khá nặng, đòi hỏi phải nắm nhiều kỹ thuật nên thường do đàn ông phụ trách. Đối với đội này, họ có thể nhận nhiều đơn đặt hàng cùng lúc, sau đó sẽ phân chia công việc cho từng thành viên, làm sao để mọi người đều có công việc và thu nhập ổn định từ 200.000-300.000 đồng/ngày. 

Bên cạnh đó, một đội sẽ chuyên phụ trách vô rơm áo (phủ lớp rơm ngoài), thu hoạch nấm rơm. Khi ở địa phương nào có nhu cầu thuê chất rơm, dù ở trong hay ngoài tỉnh, các đội sẵn sàng nhận việc, tập hợp nhân công để đảm nhận.

Nghề chất rơm trồng nấm ở An Giang, phơi nắng mới "ăn tiền" - Ảnh 1.

Do có rất nhiều công đoạn cần thực hiện nên nghề chất rơm làm nấm thu hút đông lao động tham gia, từ cánh đàn ông đến các chị phụ nữ...

Gần 10 năm gắn bó với công việc vô rơm áo và thu hoạch nấm rơm đã giúp chị Châu Thị Liên (ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có thêm nguồn thu nhập ổn định, trang trải kinh tế gia đình. Hơn 20 ngày qua, chị Liên và các chị em trong đội nhận việc tại ruộng nấm ở xã Long Giang (huyện Chợ Mới). Khi nấm rộ, công việc thu hoạch bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận chiều muộn. Mỗi ngày, riêng chị Liên có thể thu hoạch vài chục ký nấm rơm.

Chia sẻ công việc với chúng tôi, đôi bàn tay của chị Liên cứ thoăn thoắt vừa làm, vừa nói: “Trước đó, cũng có đội ủ rơm rồi chất dòng, họ làm xong là tới đội mình vô rơm áo rồi hái nấm. Lúc nấm rộ, ruộng nấm này có hơn 10 người thu hoạch vì nấm rơm nhanh nở, nếu để thành “nấm dù” thì sẽ không bán được. Một ngày làm 8 tiếng, mỗi người sẽ được trả 170.000 đồng, còn làm hơn thì mỗi tiếng sẽ được trả thêm 20.000 đồng”. 

Mọi người hay nói vui là nghề chất rơm là nghề “phơi nắng ăn tiền”, làm càng nhiều thì thu nhập càng cao. Nhờ có công việc làm thường xuyên nên thu nhập của những lao động theo nghề chất rơm làm nấm khá ổn định, chăm lo cho kinh tế gia đình.

Có việc làm thường xuyên nhờ mô hình trồng nấm rơm

Để có được vụ nấm rơm đạt chất lượng, trước đó sẽ có một đội chuyên phụ trách công việc quan trọng là ủ rơm và chất rơm thành dòng. 

Theo đó, mỗi công đoạn ủ rơm, chất dòng sẽ được tính tiền công theo chiều dài của dòng. Thông thường, mức giá của 1.000m dòng khoảng trên 6 triệu đồng, gồm công đoạn ủ và chất rơm dòng.

Là người có thâm niên trong nghề, ông Hồ Văn Có (ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) vừa làm ruộng, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia vào đội chất rơm ở địa phương để kiếm thêm thu nhập. Nhờ có nhiều kinh nghiệm mà đội chất rơm của ông Có được nhiều nơi ở An Giang, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ liên hệ “đặt hàng”.

Theo ông Có, trong năm thì vào dịp rằm tháng 7 là nấm rơm sẽ được chất nhiều nhất, có người làm 2-3 bãi nấm với khoảng 7.000-8.000m dòng. Đội chất rơm của ông Có khoảng hơn 10 người đều là bà con ở địa phương, trong đó có 4 người chuyên phụ trách công việc ủ rơm. 

Những người này sẽ ủ rơm hết ruộng nấm này đến ruộng nấm khác, công việc hầu như được làm liên tục vì nhu cầu trồng nấm rơm hiện nay rất nhiều.

Nghề chất rơm trồng nấm ở An Giang, phơi nắng mới "ăn tiền" - Ảnh 3.

Mô hình trồng nấm rơm phát triển nở rộ ở nhiều địa phương của An Giang.

Công việc ủ rơm được coi là cực nhất, mỗi lần đảo rơm rất nóng, vì trong quá trình phân hủy rơm sẽ sinh nhiệt. Đó là chưa kể, do được tưới nước liên tục nên rơm đẫm nước, mỗi lần đảo cần rất nhiều sức lực. Do công việc cực nhọc nên phần tiền công nhận được sẽ nhiều hơn những công đoạn còn lại.

"Tôi gắn bó với nghề chất rơm làm nấm hơn 10 năm rồi. Vừa đi làm thuê, lúc rảnh hơn cũng tận dụng rơm trên đồng nhà chất nấm kiếm thêm thu nhập. Cái nghề này càng làm kinh nghiệm càng nhiều. Nhờ vậy mà người thuê cũng tin tưởng, có việc làm thường xuyên, thu nhập của các thành viên trong đội ổn định hơn” - ông Có chia sẻ.

Dù chỉ là công việc làm thuê, nhưng đảm nhận công đoạn quan trọng nên những nhân công chất rơm làm nấm đều rất tận tâm với nghề. Ở mỗi ruộng nấm, họ đều cố gắng làm thật kỹ lưỡng, chất dòng rơm lớn để nấm thu hoạch được nhiều hơn. Bên cạnh đó, chia sẻ với những người chủ những kinh nghiệm góp nhặt trong quá trình đi chất nấm rơm ở nhiều nơi để có thể thu hoạch nấm năng suất và chất lượng.