Bệ tượng là một khối hình gần vuông, thắt bụng, tạo thành 2 khối đối xứng. Tấm tựa có hình dạng như các cổng đền Chămpa, gồm 2 phần: Phần thân dưới hình vuông, tạo bởi 2 trụ ốp 2 bên và ô cửa giả; phần trên có dạng vòng cung vuốt nhọn lên đỉnh, tạo hình đóa hoa nhọn đầu.
Hai bên cánh cung chạm nổi 6 chiếc lá cong và mảnh, chia đều 2 bên.
Tiếp liền phía trong vòng cung hoa lá là một gờ nổi hình trái tim tạo bởi 2 đường vòng cung xẻ rãnh, gắn kết với vòng cung hoa lá hình ngọn lửa thành hào quang sau đầu tượng.
Nhìn tổng thể, phần trên tấm tựa lưng tượng Phú Hưng có hình dáng một cổng tháp Chămpa mang phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X).
Tượng tròn hình người ngồi trên trên bệ đá, thân tượng có chiều cao 57cm, chiều ngang 47cm, thể hiện một vị thần đội jata hình chóp nón cụt đầu (phần trên cùng bị vỡ) để lộ chân tóc trước trán, vầng trán rộng, tai dài; đôi mắt lớn, chuôi mắt dài, mí mắt lộ rõ, chân mày rậm hình vòng cung thanh tú; mũi thẳng, cánh mũi nở (chóp mũi bị vỡ); miệng rộng, môi dày cùng hàng ria mép rậm; cằm có bộ râu rậm, dài và nhọn; cổ đeo vòng hạt...
Tượng trong tư thế ngồi xếp bằng, chân phải nằm trên chân trái, bàn chân ngửa lộ rõ các ngón chân, hai bàn tay đặt lên gối, tay phải cầm tràng hạt, tay trái cầm vật báu có phần lộ hình hoa cúc...
Khuôn mặt tượng mang đặc trưng cơ bản của điêu khắc Chămpa Trà Kiệu thời kỳ đầu (cuối thế kỷ IX). Xét về mặt cấu trúc và tạo hình, lại thuộc kiểu dạng các tượng Deva của Mỹ Sơn A, B và của Trà Kiệu, song tượng Phú Hưng lại có kích thước lớn hơn hẳn (cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi) các tượng cùng loại của Mỹ Sơn và Trà Kiệu.
Ngoài ra, còn có 3 chi tiết khác có thể nhìn thấy trên pho tượng Phú Hưng: Bụng to, bộ râu rậm và nhọn đầu, tràng hạt cầm ở bàn tay phải và vật báu cầm ở bàn tay trái.
Cũng có ý kiến cho rằng, đây là tượng của vị thần có tên trong phả hệ Hindu là Kubera (tiếng Sanskrit), hoặc Kuvera (tiếng Bali) - một trong bốn vị Đại vương tứ phương, hộ vệ phương Bắc, tượng trưng mùa đông, thường không có vật cưỡi, còn được gọi là thần Tài lộc, Tỳ sa môn thiên vương.
Thần có cha là Vishravas, mẹ là Idavida, chị là Surpanakha, vợ là Bhadra, con gái là Minakshi. Kubera là vị thần đã hạ bệ Ravana và giúp Rama (có tài liệu nói là Indra) giành ngôi vị. Vì vậy, Rama đã giao cho Kubera đứng đầu quân binh Yaksha và Guhyaka, canh giữ kho tàng của trái đất, cai quản ngọc ngà châu báu.
Trong nghệ thuật, Kubera được mô tả là một vị thần béo lùn, có ba chân và một mắt giữa trán. Tuy nhiên, trên thực tế, các pho tượng Kubera được khai quật ở Ấn Độ rất hiếm thấy đặc điểm ba chân, một mắt.
Cũng giống như bức tượng Phú Hưng lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, các tượng thần phương hướng trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đều ngồi trên bệ khối vuông đối xứng, phía sau là tấm tựa.